Tết của người Việt

Đón Tết của người Việt, theo phong tục, là “mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy”. Câu tục ngữ có ý nghĩa nhắc đến ba nhân vật quan trọng mà mỗi người phải kính trọng và biết ơn là cha, mẹ và thầy. Mục đích câu tục ngữ này nhằm nhắc nhở mỗi người phải nhớ và thể hiện sự quan tâm đối với họ, nhất là dịp đầu năm.

“Tiễn năm cũ đi, sống từ bi, thể hiện chân thiện mỹ,
Đón năm mới về, tập hỷ xả, tỏa sáng đức tài tâm.”

Không khí Tết biểu hiện càng lúc càng rõ khi thời gian năm cũ ngắn dần và các phong tục trước Tết được thực hiện. Tết Nguyên đán tượng trưng cho sự giao hòa giữa Trời và Đất, giữa con người với vũ trụ. Đây cũng là dịp để con người bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với đất, trời, mưa, nắng, thiên nhiên,…Trước hết là phong tục “chạp mả”. Phong tục này thường được thực hiện trong tháng Chạp và một số ít sau Tết. Thông qua phong tục “chạp mả”, con cháu được giáo dục, nhắc nhở về mồ mả ông bà tổ tiên, hay nói cách khác là giáo dục về nguồn cội của mình. Không khí Tết biểu hiện một cách rõ ràng hơn là từ ngày 23 tháng Chạp, khi phong tục “đưa tiễn ông Táo, “ông Táo” được thực hiện. Một số nơi còn giữ phong tục dựng “cây nêu” với niềm tin rằng việc làm này sẽ trừ ma diệt quỷ dữ cùng với những điềm xấu lưu cữu trong năm cũ.

Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau đó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn, đoàn tụ với đại gia đình cùng đốt một nén hương mời chư vị tổ tiên, ông bà nội ngoại, về đón Xuân với các con cháu.

Vào ngày cuối năm và lúc giao thời giữa năm cũ và năm mới, một nghi lễ không thể thiếu đối với các gia đình người Việt là cúng “gia tiên” hay cúng “ông bà tổ tiên”. Mọi nhà, tùy theo khả năng và phong tục vùng miền, đều sắm hoa quả và phẩm vật để dâng cúng tổ tiên trong ba ngày Tết thông qua lễ cúng gọi là “cúng rước ông bà”. Khi cúng giao thừa, có gia đình chỉ cúng “gia tiên” nhưng cũng có gia đình cúng thêm “thiên địa” ở ngoài trời. Cúng bên ngoài có khi chỉ là thắp hương van vái, có khi bao gồm lễ vật tùy theo niềm tin của mỗi gia đình.

Cách đón Tết của người phật tử

Vào thời khắc giao thừa, các phật tử thường lựa chọn chùa làm nơi đầu tiên đến để cầu nguyện. Một số đi lễ Phật đầu năm để cầu phúc báo và những điều may mắn cho bản thân và gia đình. Họ nghĩ rằng Phật và các vị Bồ tát là những bậc siêu phàm, luôn luôn từ bi thương xót chúng sinh và sẽ phù hộ họ khi họ cầu nguyện. Trong sự cầu nguyện, hay cụ thể hơn là cầu an đầu năm và thậm chí còn cúng sao, giải hạn.

 Rất nhiều phật tử, bên cạnh việc lễ Phật đầu năm và tự cầu nguyện, còn ghi tên tuổi của các thành viên trong gia đình để gửi các chùa đọc tên cầu an. Có người còn tin vào “sự ảnh hưởng tốt – xấu” của các sao, hạn nên ghi đầy đủ tên các sao, hạn để thưa các thầy cúng gọi là cúng “nhương tinh giải hạn”. Đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quý phật tử, hầu như các chùa đều thực hiện nghi thức cầu an, dâng sớ đọc tên cho các phật tử dịp đầu năm. Phong tục này thường diễn ra từ mùng Bốn Tết đến hết rằm tháng Giêng, nhưng đa số tập trung cúng vào ngày mùng Tám và ngày Rằm. Do đó, vào hai ngày này các chùa thường có đông đảo tín đồ phật tử.

Thiết thực hơn, người phật tử thấy rằng lễ chùa đầu năm là cơ hội quý báu để trải nghiệm tâm linh và hòa mình vào không khí thiêng liêng đầu năm nơi chốn thiền môn thanh tịnh.

“Thiền môn thanh tịnh đón xuân sang
Người vui, cảnh đẹp, gió nhẹ nhàng
Thời khắc giao hòa trong trời đất
Lòng người xúc động lẫn hân hoan.”

Sự trải nghiệm đó có thể làm cho tâm hồn mọi người nhẹ nhàng và thư thái. Mặt khác, các phật tử cũng nhân dịp này đến các thầy trong chùa để mừng tuổi và chúc Tết đầu năm. Phật tử thường có tâm lý xin “lộc chùa” mang về gọi là lộc đầu năm may mắn.

Tập tục “hái lộc”, trước đây, diễn ra ở đình và chùa nhưng hiện nay tục này hầu như chỉ ở chùa. Các chùa ngày xưa thường có nhiều cây lớn với nhiều cành lá sum suê nên việc hái lộc ít ảnh hưởng đến sức khỏe của cây và ít ảnh hưởng đến mỹ quan cây cảnh. Ngày nay, các chùa, nhất là ở đô thị không gian nhỏ hẹp, thường trồng những cây cảnh nhỏ nên việc hái lộc sẽ ảnh hưởng đến cây cảnh và mỹ quan sân chùa. Ý thức được điều này, người phật tử đã thay đổi thói quen bằng cách hoan hỷ nhận những “lộc chùa” khác (được các chùa chuẩn bị) mang tính biểu tượng như cành hoa, tấm thiệp ghi câu Phật dạy, bao lì xì nhỏ tượng trưng… 

Dù hình thức đã thay đổi nhưng ý nghĩa của nó vẫn là bày tỏ niềm hy vọng có được phúc lộc và may mắn trong một năm mới. Những năm gần đây, một số chùa bắt đầu tổ chức cho các phật tử đi thăm viếng, lễ Phật và cúng dường các chùa. Mục đích là nhằm tạo cơ hội cho phật tử gieo duyên, làm phúc đầu năm. Nếu muốn cầu an thì đây là cách cầu an đúng tinh thần nhân quả. Vì thế, nói đến Tết là nói đến mùa xuân, với rất nhiều ý nghĩa là vậy. Trong khí xuân tưng bừng đó, con người cũng phấn khởi và hi vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Từ bao thế kỷ nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phúc trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết, đạo Phật đã đi vào lòng nếp sống văn hóa của dân tộc theo cách như vậy.

Xuân trong chùa

Dường như, hương xuân, nắng xuân trong một sáng ngày đầu năm mới, tiết trời se lạnh, nhưng vẫn có những tia nắng sớm lung linh tỏa khắp sân chùa, đã làm cho các ngôi chùa trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn. Ngài Mãn Giác Thiền sư tu hành ngộ đạo, nhận ra mùa Xuân bất tử và đắc ý cảm tác hai câu thơ rằng:

“Đừng bảo Xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.”

Hoa mai tiêu biểu cho chúa Xuân vẫn nở thắm ngoài sân, dù mùa Xuân của trời đất đã qua đi. Bởi đóa hoa mai đang nở rộ trong lòng ngài tương ưng với đóa hoa mai bên ngoài một cách sâu sắc.

Xuân trong đạo Phật cũng là Xuân trong cuộc đời; từ đó chúng ta nhìn thẳng vào cuộc sống mà tìm được mùa Xuân và sự an lành cho chúng ta. Với tinh thần xây dựng trên nền tảng đạo Phật gắn bó mật thiết với sự sống của con người, cho nên người ta thường nói đạo Phật và nhân loại, đạo Phật và dân tộc.

Trong kinh đức Phật đã từng nhắc các đệ tử “Điều duy nhất ta có thể trao cho các ông là sự thúc đẩy niềm khát khao trở nên tỉnh sáng nhận biết, để sống cuộc sống của chính mình một cách có ý thức”. Phật giáo là tôn giáo không xây dựng trên uy quyền, mà xây dựng bằng trí tuệ và từ bi. Lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy giác ngộ làm mục đích, lấy giải thoát làm chỗ cứu cánh viên mãn và lấy từ bi làm hạnh nguyện. Người học Phật, tu Phật, vì thế càng trở nên sáng suốt hơn, dũng mãnh hơn trong thực tại.

Đạo Phật đi vào cuộc đời như một nhiệm vụ thiêng liêng, đưa tất cả chúng sinh từ bờ mê đến bến giác, chuyển hóa cõi ta bà thành cõi nước tịnh lạc. Đức Phật dạy “Nhất thiết duy tâm tạo”, Tâm đã thanh tịnh thì đâu đâu cũng trang nghiêm thuấn nhã. Tâm nhiễm ô thì dù ẩn thân nơi hang sâu núi thẳm cũng chỉ là nhốt mình trong mộng tưởng mà thôi. Thế cho nên Quốc sư Phù Vân đã cầm tay vua Trần Thái Tông nói rất thật lòng: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ ở trong tâm. Để có cuộc sống vui như mùa xuân thì phải có tâm mùa xuân là dễ hiểu rồi, nhưng làm sao để có được Tâm Mùa Xuân, đó mới là điều quan trọng”.

Xuân hạnh phúc

Khi nói đến mùa xuân là nói đến sự tươi đẹp, an lành. Thế nhân thường mượn mùa xuân để nói đến cuộc sống tươi vui đầy sức sống vươn lên. Sau ngày tiễn ông Táo về trời, là lúc mọi nơi làm tiệc tất niên mừng năm cũ đã qua. Phố phường nhộn nhịp với tiếng kèn, tiếng trống ca hát mừng xuân. Người đi kẻ chạy, nhộn nhịp mua bán sắm sửa vật dụng và thức ăn, nước uống để dành ăn Tết.

Người Việt mừng tết với niềm tin thiêng liêng, là ngày làm mới, và ngày tạ ơn, cũng là ngày của hy vọng, là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội; tình thầy trò, bè bạn cố tri, ông mai bà mối đã tác thành cho đôi lứa. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

Mùa xuân mang tới cho chúng ta tràn đầy không khí an lành. Hơi ấm mùa xuân lan tỏa khắp nơi, vạn vật sinh sôi nảy nở, mỗi người chúng ta cũng như có thêm năng lượng để vui sống hơn, người ta dễ dàng bày tỏ cùng nhau những lời yêu thương từ đáy lòng. Ngày Tết là ngày lí tưởng, ngày của những ước mơ, ngày của cuộc sống tâm linh cao đẹp, hướng về tổ tông dòng họ, nguồn cội tổ tiên, tri ân những người có công với nước, với dân, thể hiện một ước mơ vĩnh hằng mà trong cuộc sống đời thường con người nhiều khi không có được, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, có cuộc sống bình an, con người thương yêu nhau hơn, không có chiến tranh, không có hận thù, không có những hiềm tị nhỏ nhen, gia đình được sum vầy, hạnh phúc…

Người con Phật mừng xuân, ngoài việc vui đón xuân mới thông thường còn mang ý nghĩa kỷ niệm Phật Di Lặc Đản sinh và nỗ lực tu học, chuyển hoá tự thân để luôn hoan hỷ, vui vẻ, tha thứ và bao dung như Ngài, nên gọi là xuân Di Lặc.

 Hạnh Thiện

(Theo Tạp chí Nghiên cứu Phật học)



Có phản hồi đến “Mùa Xuân Và Hạnh phúc”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com