Trong ngày đầu năm, David – một thanh niên Mỹ sinh sống tại Việt Nam quyết định học theo phong cách người Hà Nội: Anh đi lễ chùa cầu may. Mỗi ngôi chùa David ghé qua lại đem tới cho anh một cảm nhận khác biệt.

Trong ngày mùng 1 Tết, người Việt rất quan trọng việc xuất hành đầu năm. Một trong những địa điểm được mọi người lựa chọn nhiều nhất là chùa chiền. Họ thích đi lễ chùa cầu may. Dù ở Việt Nam 8 năm nhưng đây là năm đầu tiên tôi thực sự sống theo cách của người Hà Nội.

Bốn ngôi chùa tôi chọn đến thăm khá gần nhau, đó là đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên và chùa Tảo Sách. Mời các bạn cùng xuất hành đầu năm lấy hên với tôi.

Đầu tiên chúng ta sẽ đến đền Quán Thánh (hay còn được gọi là đền Trấn Vũ), vì phải đi nhiều nơi nên mỗi nơi sẽ không có thời gian để ngó nghiêng lâu. (Mà giá vé gửi xe những ngày này đội lên gấp 5 lần ngày thường là sao nhỉ?)

Đền Quán Thánh là một trong những địa điểm linh thiêng thu hút rất đông người dân tới lễ lạt. Nơi này được coi là một trong “tứ trấn” của Hà Nội, có nhiệm vụ bảo vệ bốn phương Đông Tây Nam Bắc của thành Thăng Long xưa.

Điều tôi thích thú nhất ở đây chính là những tác phẩm điêu khắc tượng thờ, những họa tiết mộc bản và những gian nhà mái ngói.

Bức tượng đồng đen to lớn này được đặt tên Huyền Thiên Trấn Vũ, tượng cao gần 4 mét và nặng hơn 4 tấn. Ngày Tết, người dân tới đây lấy tiền lẻ xoa vào bàn chân trần của ngài rồi sau đó xoa tờ tiền lên đầu tóc, mặt mũi, thân người, họ tin rằng khí thiêng tỏa ra từ pho tượng sẽ che trở cho họ trong suốt cả năm. Bức tượng có lịch sử hơn 300 năm chắc chắn mang nhiều dấu vết thời gian nhưng riêng đôi bàn chân vì được xoa nhiều quá nên sáng bóng.

Tôi chỉ thấy lạ một điều: Tại sao người Việt lại nghĩ có thể kết nối với thần linh thông qua tờ tiền và tại sao họ luôn cầu mong sự giàu có thịnh vượng. Có lẽ còn cần nhiều thời gian nữa tôi mới hiểu được họ. Theo tôi trong cuộc sống có nhiều thứ để cầu xin bên cạnh phát tài phát lộc, buôn may bán đắt hay thăng quan tiến chức. Dĩ nhiên mỗi người có cách nhìn nhận và phấn đấu khác nhau trong cuộc sống, tôi biết thế.

Ngắm mọi người chen chúc nhau một lúc, tôi đi ra ngoài sân, thật sảng khoái khi đi dạo quanh sân đền, ngồi thư thái dưới gốc cây.

Tạm biệt đền Quán Thánh và tạm biệt em bé thích màu hồng

Ngôi đền thứ hai mà chúng ta tới là phủ Tây Hồ. Con đường nhỏ dẫn vào phủ có rất nhiều quán nhỏ bán những đồ thờ cúng và có cả người viết sớ bằng chữ Nôm cổ.

 Khi rời khỏi đền, tôi nhìn thấy trên đường có nhiều quán ăn vẫn hoạt động trong ngày Tết, họ bán một món đặc sản gắn liền với địa danh Hồ Tây – bánh tôm. Tôi không biết những tôm, ốc mà họ dùng để chế biến có thật được lấy lên từ Hồ Tây không nhưng đã nổi tiếng thì phải thử vào ăn. Đi nhiều cũng khá đói bụng rồi. Tôi gọi hai đĩa bánh là bánh tôm và bánh bột lọc.

Đầu tiên thử ăn món bánh tôm, tôi chỉ có thể nói là tuyệt vời, rất đúng với câu “danh bất hư truyền”. Nhanh chóng xơi hết đĩa bánh tôm, tôi chuyển sang đĩa bánh bột lọc. Món này cũng ngon không kém. Trời mùa đông ăn lại càng thấy ngon. Giá ngày Tết có đắt lên đôi chút nhưng không nhiều như lúc đầu tôi nghĩ.

Ăn xong tôi còn được bưng cho một cốc trà nóng. Đứng lên chỉ mất có 100.000 VND (thở phào nhẹ nhõm!) Hồi mới đến đây, tôi thường thử những món ăn nổi tiếng của Hà Nội trong các quán lịch sự. Trời ơi… Giá đắt cắt cổ và sau đó, khi đã chuyển sang ăn ở quán bình dân, tôi mới nhận ra quán ăn vỉa hè mới thực là ngon tuyệt.

Vẫn trong khu vực Hồ Tây, chúng ta tiếp tục tới thăm chùa Vạn Niên.

Điều tôi thấy thích thú nhất trong ngôi chùa này chính là bức tượng Phật ngồi dưới bóng râm của một cây cổ thụ. Bức tượng này khiến tôi nhớ đến câu chuyện Đức Phật ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề.

Ngôi chùa khá vắng nhưng tôi nghĩ như thế mới đúng nghĩa của một ngôi chùa. Nếu muốn tìm một nơi nào yên tĩnh để lắng mình lại trong ngày đầu năm, tôi nghĩ người dân Hà Nội nên tìm tới nơi này. Nhưng nếu nhiều người tìm đến để lắng lòng thì lại hóa ra đông rồi nhỉ?!

Không gian ở đây rất thân thiện, tất cả đều để mở hoặc cửa khép hờ, để ngỏ cho du khách vào thăm. Duy có nơi sinh hoạt của các nhà sư thì tôi không ghé vào vì nghĩ như vậy là quá tò mò, tọc mạch.

Nhìn phong cách kiến trúc của toàn bộ ngôi chùa, tôi không thể gọi tên nó chính xác, có nhiều sự pha trộn và biến tấu. Hãy nhìn tòa nhà này, nó có những cửa sổ cao và hẹp, chạy dọc mặt tiền khiến tôi thấy rất giống một con thuyền.

Ở trong chùa trồng rất nhiều loài hoa đẹp.

Vào trong khu thờ chính của chùa, sự bày biện thật đẹp, màu sắc tươi sáng khiến tôi cảm thấy vui mắt, rất đúng không khí Tết.

Một trong những đồ lễ khiến tôi cảm thấy thú vị đó là “khối núi” được tạo thành từ gừng, chanh, ớt, cành cây, hoa khô, củ tỏi và nhiều loại thực vật khác, chắc chắn nó phải ẩn chứa một ý nghĩa tâm linh nào đó. Theo kiến thức hạn hẹp của tôi, gừng, ớt cay, muối mặn, chanh chua… ý chỉ những vị gian khổ, đắng cay trong cuộc sống, còn tỏi dùng để trừ tà.

Tôi lấy thanh củi dài để thử xem độ sâu của đống tro tàn tới đâu. Với cái bình đá khổng lồ thế này, lớp tro nén lại chắc phải do đốt vàng mã nhiều năm mới đạt được.

Đây là hình chú rồng được tạc trên bình. Tại sao các chú rồng phải giơ chân lên như thế nhỉ? Có phải vì lửa cháy nóng quá nên các chú không chịu được phải giơ chân và há miệng như vậy không?

Đã đi được 3 chùa, chúng ta hãy tới ngôi chùa cuối cùng, là chùa Tảo Sách, chỉ cách đó một quãng đường ngắn.

Ngôi chùa này cũng yên lặng và vắng vẻ. Sau sự đông đúc và có phần huyên náo ở đền Quán Thánh và phủ Tây Hồ, đến với chùa Vạn Niên và chùa Tảo Sách thực sự là thời gian để chúng ta được vãn cảnh chùa theo đúng nghĩa của nó.

Được thăm thú cảnh chùa một cách tự do tự tại, ung dung thư thái thật tuyệt vời. Ở đây, chúng ta có thể dành thời gian để trầm ngâm nghĩ suy về một năm đã qua và những dự định của một năm sắp tới, thực sự là địa điểm viếng thăm lý tưởng trong ngày đầu năm.

Những tạo hình, sắp đặt của các hòn non bộ trong chùa rất ý vị và tinh tế, nó hẳn gắn với nhiều điển tích về sự tu hành của Đức Phật.

Sau khi đến thăm 4 ngôi chùa, tôi bắt đầu thấy thích mùi đốt vàng mã, hơi ấm tỏa ra từ đống tro tàn âm ỉ thật dễ chịu. Một cảm giác mơ hồ về sự linh thiêng, về một cõi khác dường như hiển hiện qua những mùi hương hòa quyện trong chùa.

Tôi mới phát hiện ra mình rất dễ mất tập trung, rất dễ quên đi việc mình đang định làm, đơn giản vì cuộc sống ở Việt Nam có rất nhiều điều thú vị nhỏ nhặt khiến bạn bất ngờ bị cuốn hút. Đang đi vãn cảnh chùa thì tôi thấy hai chú cún con đùa nghịch ở một góc sân, thi nhau ngắn vào một cành cây, tôi bỏ cành cây sang bên và đùa nghịch với hai chú chó, chúng liếm tay tôi rồi lại mải chơi đùa với nhau mà bỏ tôi lại đằng sau.

Trong chùa có một khoảnh vườn nhỏ trồng rau

Đây là một trong những bà cụ đến làm việc giúp cho chùa, họ làm hoàn toàn tự nguyện, người Việt thường gọi họ là các “vãi”. Khi tôi chụp ảnh bà - một bà cụ răng đen bỏm bẻm nhai trầu, bà liền xua tay và bảo: “Bà có gì đẹp đâu mà chụp. Đừng chụp bà”.

Tôi đang không biết giải thích thế nào thì may mắn có một cô gái đi qua vào bảo: “Bà rất đẹp bà ạ. Tại sao bà lại nghĩ bà không đẹp?” Tôi chỉ biết lúng túng gật đầu và nói: “Cô ấy nói đúng đấy ạ” rồi sau đó chúc bà cụ một cái Tết vui vẻ. Bà nghe vậy có vẻ vui và nhìn tôi cười rạng rỡ rồi vẫy tay chào tạm biệt.

Sau khi đi thăm 4 ngôi chùa, tôi cảm thấy hơi mệt và cần lấy lại năng lượng bằng cà phê nóng. Tôi đã nói với bạn chưa nhỉ? Ở Việt Nam, tôi nghiện cà phê Trung Nguyên. Tôi liền tới một quán ở gần Hồ Tây, chọn một bàn ở tầng 2 gần cửa sổ và ngắm cảnh hồ.
Tôi trở về phòng trọ đúng lúc mặt trời lặn trên hồ Trúc Bạch. Thật là một cảnh tượng huy hoàng kết thúc một ngày đầu năm ý nghĩa.

(Theo Dân Trí)




Có phản hồi đến “Theo Chân Một Thanh Niên Mỹ Đi Lễ Chùa Đầu Năm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com