Trao đổi với Một Thế Giới, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN cho biết đã có văn bản nhắc nhở Tăng Ni trong việc sử dụng facebook, cũng như nhấn mạnh đến việc giữ gìn giới hạnh, sinh hoạt đời sống trong các chùa, tự viện theo phương châm tri túc, giản dị.
Trao đổi về loạt bài "Tù mù tiền chùa..." đăng trên báo điện tử Một Thế Giới, Thượng tọa Thích Đức Thiện thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn được làm rõ các thông tin để tăng cường công tác quản lý được tốt hơn.
Thượng tọa cho rằng những hình ảnh được lan truyền trên các trang mạng xã hội, facebook không thể là căn cứ chính xác để từ một hiện tượng cá biệt mà đánh giá thành một hiện tượng phổ biến.
Câu chuyện về những hình ảnh của một nhà sư ở Hải Dương bên cạnh chiếc xe May Bach, tay cầm chiếc điện thoại Vertu đưa lên facebook xảy ra cách đây gần 1 năm, Giáo hội Phật giáo VN đã kiểm tra lại thông tin và khẳng định các nhà sư này không sở hữu các tài sản giá trị như trên. Hay hình ảnh một nhà sư ở Bắc Ninh được cho là sử dụng xe Ford Mustang đăng trên các trang mạng facebook, qua tìm hiểu làm rõ, chiếc xe đó không phải của nhà sư mà của khách đến lễ, làm rõ ra thì chiếc xe Ford Mustang đó là của gia đình một vị Giáo sư toán học nổi tiếng ở Hà Nội đến lễ chùa.
Thượng tọa cho biết thêm, Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố nhắc nhở Tăng Ni trong việc sử dụng facebook, cũng như nhấn mạnh đến việc giữ gìn giới hạnh, sinh hoạt đời sống trong các chùa, tự viện theo phương châm tri túc, giản dị.
Về việc quản lý tiền công đức ở các chùa hiện nay không có một mô hình thống nhất quản lý nào mà tùy vào từng ngôi chùa và từng địa phương. Đối với các danh lam thắng cảnh, di tích lớn, nơi mà có đông Phật tử và khách hành hương đến lễ thì có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý di tích và sư trụ trì, chính quyền địa phương. Đối với các chùa khác thì có Ban Quản trị chùa quản lý, thường là đại diện các tổ Phật tử, và mục đích sử dụng chủ yếu tập trung cho công tác tu bổ xây dựng chùa và công tác từ thiện xã hội công ích.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, hiện nay, ở khá nhiều ngôi chùa trong cả nước ở các tỉnh, vùng nông thôn, tài chính còn có nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, đa số các thành viên trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn luôn khắc phục khó khăn, tham gia, hưởng ứng các phong trào ích lợi dân, thực hiện nhiều chương trình, hoạt động từ thiện.
“Riêng năm 2014, tổng số tiền mà tăng ni, phật tử cả nước ủng hộ cho công tác từ thiện xã hội lên tới trên 1.043 tỉ đồng trong đó, tăng ni, phật tử ở Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ trên 300 tỉ đồng; Đồng Nai và Kiên Giang đạt 70 tỉ đồng, Tiền Giang và Bến Tre đạt 30 tỉ đồng…Đây là nỗ lực rất lớn của các thành viên trong toàn giáo hội với công tác từ thiện xã hội”, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết.
Trao đổi thêm với Một Thế Giới, đầu năm nay và trong dịp lễ hội vừa qua, việc quản lý, sử dụng tiền công đức, lễ chùa ở các chùa Việt Nam đã chặt chẽ và đi vào trật tự hơn sau khi các cơ quan quản lý như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định chặt chẽ về quản lý, sử dụng tiền lẻ cho nên, không còn hiện tượng như dán tiền, gắn tiền lên tượng phật ở các ngôi chùa như trước đây. Trước Tết nguyên đán Ất Mùi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có thông tư hướng dẫn các chùa về việc tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm.
(Theo Một Thế Giới)