Chùa Long Cốc tọa lạc tại ấp Hương sơn, xã Long hương, thị xã Bà rịa. Từ cổng chào thị xã Bà rịa vào khu trung tâm khõang 180 m, gặp một ngã ba, đi tiếp 100 m thì đến chùa Long Cốc. Thường nhựt, khách viếng cảnh chùa đều đi ngã bên hông tường rào vì cổng chánh chỉ mở vào những ngày lễ vía.

Theo lời kể các bậc kỳ lão, chùa Long Cốc có trước đình Long Hương, được xây dựng hơn 250 năm trước do dân làng tự động góp công của xây chùa để cho làng có nơi thờ Phật. Trước đây gọi là “chùa làng”. Ban đầu chùa xây dựng đơn sơ bằng vật liệu có sẳn, mái lợp lá. Thời gian sau, có một vị Cao tăng pháp danh Tịnh Cốc đến Trụ trì, khuyến khích dân làng xây cất chùa rộng rãi và trang nghiêm hơn. Lúc tìm được đệ tử kế thừa. Hòa thượng tịnh Cốc rời chùa và lên núi Dinh tìm nơi thanh vắng để tu thiền.

Để ghi nhớ công đức của vị Cao tăng, Phật tử địa phương đặt tên chùa là “Long Cốc Tự”. Hiện nay trên núi dinh nơi chùa Hang Tổ có tháp bia khắc hàng chữ:

PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG CỐC ĐƯỜNG THƯỢNG NGỘ HẠ CHÂN YỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG

TAM THẬP CỬU THẾ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH CHI VỊ

Viên tịch ngày 30 tháng 11, phường Long hương, Bà rịa-Vũng tàu

Tổ đình Linh Sơn

Ni sư Huệ giác trùng tu

Lập tháp

Ngôi chùa hiện nay vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cổ xưa gồm ba gian hai chái, vi kèo cột gổ, mái ngói âm dương. Nơi chính điện trước kia có thờ tượng Phật Di Đà cốt bằng cây mít. Năm 1983, tượng Phật được đắp y lại thành tượng Phật Thích ca. chùa còn lưu giữ được một hồng chung bậc trung có hoa văn tinh xảo, một trống lớn có giá đỡ…,nhữntg vật chứng hằng trăm năm qua. Điện thờ Phật Bà Quan Am được xây dựng thêm sau năm 1975 ở phía trái bên ngòai cổng chùa. Chùa có thành lập Ban tế tự trước năm 1945. năm 1990, Ban tế tự và dân làng cùng nhau quyên góp công của trùng tu chùa. Một thời gian dài chùa vắng sư Trụ trì. Từ năm 1998, Tỳ kheo ni Thích nữ Minh Tùng về chùa Trụ trì. Ni sư cùng Ban tế tự hiện nay gồm nhiều vị, tiếp tục trùng tu chùa trở nên khang trang hơn.

Thiền sư Long Cốc thuộc đời 39 phái Thiền Lâm tế, truyền theo bài kệ “Tổ đạo…Giới Siêu Minh Thiệt tế Liễu đạt Ngộ Chân Không”.

Chùa Long Cốc ở Bà Rịa còn các Long vị:

“Long Cốc Sơn Tự, đại lão Hòa Thượng, giác linh chi vị” (viên tịch ngày 30 tháng 11 âm lịch)

“Lâm tế chánh tông, tứ thập thế, húy Chân Thới, thượng Đạo hạ Xuân Hòa thượng giác linh chi vị”.

Như vậy Hòa thượng Long Cốc có đệ tử là Chân Thới – Đạo Xuân, Lâm tế Chánh tông tứ thập thế (đời 40)

Hiện nay chùa Long Cốc thờ Hòa thượng Long Cốc và giỗ Hòa thượng vào ngày 30 tháng 11 âm lịch hằng năm.

Sự tích Hòa thượng Long Cốc được gắn liền với Thiền sư Ngộ Chân.

Sách Đại nam nhất thống chí và các tác giả viết sách nói về các Thiền sư Việt nam đều có ghi lại như sau:

“Thiền sư Ngộ Chân thuộc phái Thiền Lâm tế, chưa rõ năm sanh, chỉ biết Sư đến lập chùa Hang ở trên núi Chứa chan (hay núi Gia ray) ở khe núi Gia lào để tu hành. Sư gọi hang núi nầy là Long Cốc (Hang Rồng). Vì vậy Thiền sư Ngộ Chân được tôn gọi là “Hòa thượng Long Cốc”.

Trong sách Đại nam Nhất thống chí, có kể về Thiền sư Ngộ Chân như sau:

“Núi Chứa chan ở phía Bắc huyện Phước khánh (Long khánh ngày nay) 56 dặm, núi non sừng sững giữa khu rừng rậm hoang vu. Gần chân núi có khe Gia lào giáp với huyện Long khánh và huyện Phước bình. Núi có nhiều gỗ quý, có cả cây trầm hương và nhiều lọai dây mây Tàu. Ơ lưng chừng núi có thạch động và giếng đá. Thiền sư Ngộ Chân đến đó để tu.

Sau khi thiền sư Ngộ Chân vân du (hoằng hóa ở nơi khác, thổ dân nhớ tưởng Sư là người đắc đạo nên lấy đất đá lấp động lại.

Hiện nay di tích còn ở núi Chứa chan, Gia lào, Long khánh, Đồng nai.

Sau đó thiền sư Ngộ Chân đến núi Trấn Biên (hay núi Mô Xòai), nay gọi là núi dinh ở gần Bà rịa, lập chùa Đức Vân để tu trì.

Thiền sư Ngộ Chân tịch cốc (không ăn cơm), chỉ ăn rau quả, tu hành khổ hạnh tinh nghiêm, đạt được đạo quả, nên giáo hóa được cả thú dữ (hùm, beo, trăn, rắn…), dùng Mật tông để trị bệnh cho bá tánh.

Trong sách Gia định thành thông chí, Trịnh hòai Đức có kể về Thiền sư Ngộ Chân như sau:

“núi Trấn biên tục danh núi Mỗ xòai (Mỗ xuy), cách phía Đông Trấn Biên hòa 154 dặm. Hình núi cao ngất xanh um, có những hang nai, đồi thông, mây phủ, suối reo, cảnh trí u tịch, chầu về Gia định, hình dung dãi núi thanh tú, trải rộng thêng thang. Lưng chừng núi lại có động đá thâm u khuất khúc chật hẹp, đi vào không cùng tận. Có Thầy Tăng tịch cốc tên là Ngộ Chân, cất chùa Đức Vân nơi cửa động để tu trì, hằng ngày chỉ ăn rau quả để niệm Phật, luyện tập được cả hùm beo, lại hay vẽ bùa chữa bệnh, thâu được lễ tạ thì đem phân phát cho những người nghèo đói, khốn khổ, cũng là một vị Cao tăng đắc đạo vậy”.

Chùa Long Cốc ở phường Long Hương, thị xã Bà rịa, tỉnh Bà rịa – Vũng tàu có chiều dài lịch sử về mặt kiến trúc và tôn giáo đã được gìn giữ công phu. Một di tích lịch sử văn hóa của địa phương cần được tôn vinh là “DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH CHÙA cấp tỉnh, thành phố” như các đình chùa khác trong tỉnh đã được công nhận.

                                  Đinh Hữu Chí

Tài liệu tham khảo: - Thiền sư Việt nam (Thích Thanh Từ) – Lịch sử Phật giáo Đàng trong (Nguyễn Hiền Đức) – Tư liệu (Bảo tàng tổng hợp BR0VT) – Tư liệu (chùa Long Cốc)

(Quan âm Tu viện - HT Thích Giác Quang trích từ báo Thông tin Khoa học LỊCH SỬ BÀ RỊA-VŨNG TÀU, số 17.2009, trang 48,49 của tác giả Đinh Hữu Chí)

 

 



Có phản hồi đến “Chùa Long Cốc”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com