Hôm nay bất ngờ nhận được thư em, cô học trò bé nhỏ trong 22 học sinh của lớp học mùa hè xanh của cô ở An Điền, Bến Tre năm 2000 ngày nào. Đọc thư em cô vui và xúc động khi biết em vẫn còn nhớ đến cô và dành cho cô những tình cảm đầy yêu thương như ngày nào. Em cũng không ngờ cô còn nhớ đến em cùng các bạn phải không? Đối với cô em và các bạn là những học trò cô yêu thương nhất trong tất cả các mùa hè xanh mà cô tham gia thưở nào. Bao kỷ niệm về lớp học mùa hè xanh ngày xưa lại hiện về trong cô cứ ngỡ như vừa xảy ra ngày hôm qua. Mới đó mà nhanh quá, hơn 10 năm rồi phải không em.

Ngày đó, cô theo chân đoàn sinh viên tình nguyện của trường về xã An Điền, Thạnh Phú, Bến Tre nhân mùa hè xanh đầu tiên trong cuộc đời và cũng là mùa hè xanh đầu tiên chiến dịch về Bến Tre. Được đi mùa hè xanh với cô là một diễm phúc vì được thực hiện bao hoài bão, khác khao của tuổi trẻ, được về khám phá vùng sông nước miền Tây thơ mộng, hữu tình , cảnh đẹp nên thơ như trong Đất Rừng Phương Nam hay những vần thơ của nhà thơ Lê Anh Xuân và hy vọng làm được những điều bổ ích, tốt đẹp cho bà con nghèo khó ở miền quê. Dù đã được thông báo và mườn tượng mình sẽ về một nơi vô cùng khó khăn và khổ sở, cô cũng không ngờ đời sống ở An Điền lại khó khăm, khổ sở hơn rất nhiều. Cả xã bao la, rộng lớn chỉ có hai điểm trường tiểu học và trung học cấp hai học chung với nhau bên vài căn phòng đơn sơ, bình thường, trình độ dân trí rất kém và hiếm có em nào được học lên cấp ba. Lên cấp ba các em phải đi ra thị xã mới mong có trường. Bà con ở đây phần nhiều sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, cá và tôm cua nhưng không có kiến thức nuôi trồng nên đời sống không cải thiện được nhiều. Nhà cửa lụp xụp, tồi tàn, rách nát, nước bị nhiễm phèn chua mặn nên nước quý nhất để dùng là nước mưa. Nước sinh hoạt còn lại là nước ao hồ. Đường đi từ Thành Phố về đến An Điền của em xa thăm thẳm mịt mùng với bao nhiêu là chặn tàu ghe. Về đến nơi, cô thấy thương và buồn cho dân nghèo khi so sánh đời sống ở đây với thành phố Sài Gòn phồn hoa đô thị.

Lớp ôn tập hè cô nhận dạy là lớp sáu, lớp của các em vừa tốt nghiệp tiểu học lên trung học. Ngày đầu tiên đi dạy, lớp chỉ có 11 em nhưng phụ huynh, bà con, cả lãnh đạo ủy ban đứng bên ngoài xem cô dạy làm cô cũng hơi sợ lo. Buổi học đầu tiên cô trò cùng giới thiệu với nhau và cô bảo sẽ dạy cho các em hai môn là toán và Anh Văn. Môn Anh Văn là môn mới của lớp sáu nên cô sẽ dạy sau khi ôn tập môn toán xem các em học được những gì. Vì thế, cô cho ôn lại kiến thức toán lớp năm trước xem sao. Bất ngờ làm sao, khi giảng bài và cho các em làm toán, cô mới biết nhiều em dù lên lớp sáu nhưng không biết toán nhân và chia. Trình độ của lớp khác nhau hoàn toàn. Có một vài em học rất khá, đúng tiêu chuẩn lên lớp sáu nhưng nhiều em còn lại chẳng biết làm sao lại được lên lớp như vậy khi toán nhân và toán chia không biết. Vì thế cô phải ôn tập lại toán mất khá nhiều thời gian. Lớp cũng dần dần đông lên với con số cuối cùng là 22 em. Trong lớp học 22 em thì có nhiều em là hai anh chị em ruột, nhiều em là chú cháu của nhau vì gia đình đông con. Một số thì em buổi sáng học lớp sáu còn buổi tối cô dạy cho người anh trong lớp xóa mù chữ, nghĩ thương và rất tội. Các em dù học kém hay khá đều rất thích học và ham học. Ở miền quê nghèo, ngoài thời gian đi học các em chỉ biết tham gia giúp đỡ gia đình làm việc nên nhiều em tuổi nhỏ nhưng suy nghĩ trưởng thành vô cùng. Đôi khi ngồi ở trên nhìn các em trong lúc các em làm bài mà cô cảm động và thương các em quá.

Ở An Điền, rất ít giáo viên chịu về đây dạy vì quá khó khăn nên các kiến thức bình thường đơn giản các em cũng không có. Các em chẳng biết trò chơi hay bài hát gì của tuổi học trò. Vì thế, cứ sau mỗi buổi học là cô lại tập cho các em một bài hát, các em thích lắm hát cả ngày đêm. Để khuyến khích các em học, cô bảo em nào phát biểu tốt, làm bài đúng sẽ được điểm cộng và cuối tháng sẽ được nhận quà của cô. Do đó các em hăng hái phát biểu vô cùng, dù không biết cũng đưa tay và nhiều em giận cô vì cô không kêu em. Vui nhất là các buổi học tiếng Anh khi các em được học thứ ngôn ngữ mới, được tập luyện và chia vai nhau đóng hội thoại. Lúc nào đóng hội thoại các em cũng làm trò cười cho cả lớp hay nói sai lộn ý làm cô cũng không nhịn được cười. Đôi khi các em cũng làm cô giận vì những chuyện đùa giỡn, ồn ào, không chịu học bài và sau đó các em lại lên vòng tay xin lỗi cô trông tức cười và rất tội nghiệp.

Tuần đầu cô chỉ định dạy ba buổi một tuần nhưng rồi sau đó các em yêu cầu cô tăng thêm buổi học. Thế là bốn rồi năm buổi rồi cả dạy thêm buổi chiều trong hai tuần cuối, sáng vừa dạy xong chiều lại dạy tiếp. Các em bảo rất thích đi học, được nghe cô giảng bài, được tập hát, được vui chơi và được học thêm nhiều kiến thức mới, những điều mà các em chưa bao giờ có được từ nhỏ đến giờ và không ai gần gũi, dạy dỗ chu đáo cho các em nhiều như cô đã làm. Các em bảo chẳng có thầy cô nào thương và lo lắng, giúp đỡ cho các em nhiều như cô nên các em chỉ muốn đến lớp học suốt mà thôi. Thế là cô cũng ráng dạy các em trong khả năng có thể, mọi lúc mọi nơi mong các em có một mùa hè vui vẻ, được biết nhiều bài hát, có chút kiến thức cơ bản và để cô trò mình cùng gắn kết bên nhau.

Kỹ niệm về lớp mình với cô nhiều lắm và cô không quên bất cứ điều gì. Cô nhớ bạn Nghĩ và bạn Ngơi, hai anh em ruột, nghịch vô cùng. Ngơi là em nhưng học rất giỏi còn Nghĩ là anh nhưng học rất kém, lại nghịch nhất lớp thường làm cô buồn phiền. Vậy mà lúc đi trồng hai hàng cây trên đường đê, Nghĩ đi với cô, theo giúp cô và cùng trồng với cô. Nghĩ bảo sau này cô về em sẽ buồn và cô bảo Nghĩ mỗi khi nhớ cô hãy cố gắng chăm sóc những hàng cây này, nhìn cây sẽ nhớ rằng cô luôn bên Nghĩ. Vì Nghĩ chưa biết tính nhân chia nên trong thời gian cuối còn lại ở chiến dịch, tối nào Nghĩ và Bảo cũng được cô kèm riêng để dạy tính. Cô mừng khi Nghĩ tiến bộ, biết nhân chia dần và cô tiếc đã không còn thời gian giúp Nghĩ thêm. Các anh chị của Nghĩ Ngơi cũng rất tội nghiệp, thường xuyên mang quà cho lớp mình. Gia đình các em rất thương và quý cô, lúc nào cũng mong cô đến nhà chơi và người miền Tây rộng rãi, phóng khoáng vô cùng, có gì trong nhà cũng mang ra tặng cô làm cô thấy những gì mình làm không xứng đáng với tình cảm mình được nhận.

Cô nhớ Trí, em học trò giỏi, ngoan, hiền lành, dễ thương nhất lớp. Vậy mà có ngờ đâu khi đi đến thăm nhà Trí, cô mới biết Trí cũng nghịch và còn bày trò nói với mẹ bảo xin địa chỉ của cô để anh của Trí viết thư làm bạn bốn phương với cô. Trí còn xin cô nhận vài con cá khô nhà Trí bảo cô ăn để biết khô Thạnh Phú. Cô nhớ Út Chín, Út Mười, cũng hai chị em, út Mười hiền lành, học giỏi, thích được nắm tay cô và thích được hát bên cô. Út Chín là chị cao lớn hơn nhưng học kém hơn em. Ngày cùng các bạn đến thăm nhà em, cô cũng bất ngờ khi biết các em có ba người anh sinh ba và các em cũng bày trò bảo các anh đi quen cô làm cô cũng không biết nói sao. Nếu có ai chọc nói xấu cô, các em hùa nhau vào cãi với họ bảo vệ cô rất tội và buồn cười. Đến nhà nào cũng bắt cô ở lại ăn cơm và đến nhà các em cũng không ngoại lệ. Các em mang ra rất nhiều đồ ăn và cả một con cua to bảo cô ăn xong mới được đi về. Cô năn nỉ các em theo cô ăn dùm nhưng không em nào chịu ăn. Cô bảo thôi em nào ăn cô sẽ tính điểm cộng nhưng không em nào chịu. Ngơi bảo cô là điểm phải do mình tự làm mới quý chứ ai ăn lấy điểm bao giờ làm cô cũng tức cười và cảm động lắm. Cũng hôm đó Bảo làm cô hết hồn khi đang đi qua cầu khỉ, em bất cẩn té xuống mương làm cô la quá trời. Các em cũng cười vì Bảo bơi lội rất giỏi do các em là người của vùng sông nước Bến Tre.

Cô nhớ Quốc và Hồng Lê, cũng hai anh em, học khá và có hiếu lắm. Hồng Lê lúc nào cũng mong cô dạy hát cho thật nhiều. Ngày đến thăm nhà em, đường xá trơn trợt, nhà nghèo vô cùng nhưng các em cũng bắt cô ở lại ăn cơm. Các em kêu ba mẹ về để nói chuyện và cảm ơn cô rồi sau đó bảo cô ăn cơm nhà các bạn phải ăn cơm nhà em. Trên đường đưa cô về nhà, trời mưa trơn trơt, đường ruộng lầy lội, hai cô trò co ro nhau đi. Quốc bảo mai mốt cô về em sẽ khóc cho cô xem làm cô cũng sợ vì cô bảo ngày cô về lại Sài Gòn cô không muốn các em đi đưa tiễn cô. Cô cũng đã nói trước lớp về điều này và cô cấm không em nào được tặng quà cáp cho cô khi cô biết thông tin các em định góp tiền mua quà. Cô bảo các em nhớ cô, thương cô thì lo học, để tiền mua sách vở chứ cô không nhận quà của bất cứ em nào, cô không giúp được gì cho các em thôi chứ làm sao cô lại để cho các học trò nghèo của cô tốn kém vì cô. Vậy mà thỉnh thoảng các em hay gia đình vẫn lén mang cá, mang cua, mang trái cây lên nhà của cô gởi lại cho gia đình nơi cô ở không cho biết tên làm cô thấy thương và tội học trò mình.

Còn riêng em, Bích Ngọc, cô trò mình có nhiều kỷ niệm lắm. Em dễ thương, hiền lành, học cũng khá trong lớp nhưng lại thường xuyên bị bệnh nên cô hay đưa em về nhà. Nhớ có lần lớp mình buổi chiều đang học thì mưa đến, một nửa lớp bị mưa tạt vào không học được nên cô trò ra ngoài hiên cùng học và cô dạy hát cho các em. Lúc đó em bệnh muốn xỉu. Cô cõng em vào nhà gần đó hay có khi về nhà cô xoa dầu, cho em ăn, mặc đồ cho em ấm rồi chở em về. Vì đường về nhà em khá xa, mưa lầy lội, bùn dính đầy cả nữa bánh xe nên cô chỉ có thể cho em ngồi sau rồi đẩy em về nhà. Bảo em ở nhà nghĩ ngơi vài hôm nhưng ngày mai là em năn nỉ chị cho đi học vì em bảo đi học em thấy vui và thích được nghe cô dạy hát.

Kỷ niệm sâu đậm nhất là hội trại khi lớp mình tham gia rất nhiều tiết mục, nào hát, múa, đóng kịch. Lúc tập cho các em bài múa “Anh em ta về” khai mạc hội trại mà cô vừa bực và tức cười khi chia cặp ra múa với nhau. Các em không chịu cầm tay nhau và có em còn thề thốt bảo thà chết chứ không cầm tay bạn nữ vì từ nhỏ đến lớn không bao giờ cầm tay con gái. Các em ồn ào, náo loạn cả lên làm cô cũng mệt luôn. Cuối cùng cô làm mặt giận các em mới lên xin lỗi và tập tiếp. Ngày khai mạc, nhìn các em trong đồng phục áo trắng quần xanh, khăn quàng đẹp vô cùng. Cô tiếc là không có máy ảnh để lưu giữ kỷ niệm ngày xưa với các em. Lúc các em múa cô thích lắm. Múa xong các em chạy đến bên cô rồi cô trò cùng tham gia các trò chơi khác. Đến trưa, do bánh mỳ hạn chế nên các em ăn trước, thầy cô ăn sau. Các em lúc đó chỉ ăn có một ổ bánh mì nhỏ trước. Các em bảo cô ăn với các em còn cô bảo lát nữa cô ăn, các em đừng lo cho cô. Chờ lâu quá, chưa thấy cô ăn, Ngơi chạy ra quán gần đó mua một ổ bánh mỳ không chạy vào bắt cô ăn. Cô từ chối thế là các em quỳ xuống hết, bảo nếu cô không ăn các em sẽ không đứng dậy. Cô cảm động bật khóc nên phải ăn. Thế là một em lấy bánh mì xé ra cho cô ăn còn một em cầm ca nước cho cô uống. Cô ăn xong các em mới vui cuời vỗ tay đứng dậy. Hội trại lần đó lớp mình giành giải nhất gần hết các trò chơi vì tinh thần đoàn kết cao độ. Các em luôn bên cô và nghe cô chỉ bảo. Chiều tối đến nhà dân gần đó ăn cháo, các em bắt cô phải ăn mới cho cô đi rồi tối đó cô trò mình hát, đóng kịch. Có một tiếc mục nằm ngoài kịch bản của cô là ba em Bảo, Nghĩ, Ngơi lên xin hát bài cảm ơn cô. Rồi lúc lớp mình đóng kịch thì micro bị hư làm Ngơi và Bảo cứ tiếc hoài. Xong hội trại, cô cũng hết hơi, về nhà nghĩ qua đêm rồi sáng sớm lại thức dậy dạy các em.

Rồi ngày cuối cùng bên các em, cô chẳng có gì tặng các em ngoài những quyển sách cô đề tặng, những tờ tiền cô gấp hình tặng các em và những tình cảm sâu đậm mà cô dành cho các em. Một tháng mùa hè xanh trôi qua nhanh quá. Vừa nói lời chào và chúc các em, cô không kìm được nên bật khóc thế là cả lớp mình đều khóc như mưa. Bạn Mộng dù không phải lớp mình nhưng sang lớp mình tham dự liên hoan đứng dậy bảo các bạn không được khóc, hãy chờ cô về rồi khóc vì cô còn ở đây. Cuối cùng lớp mình quyết định tổ chức đi chơi biển gần đó, đi bộ. Bạn Bảo yêu cầu cô phải ăn cơm nhà bạn vì cô đã ăn cơm nhà các bạn khác. Do đó, hôm đó lớp mình chia một nửa ăn cơm nhà Bảo, một nửa về nhà bạn Nghĩ bạn Ngơi ăn cơm trưa rồi cô trò đi bộ ra biển chơi. Cô nghĩ đơn giản các em là người ở đây, rành đường xá, bơi lội cũng giỏi hơn cô nên cô trò đi không sao có đâu ngờ lại làm cho ban chỉ huy chiến dịch ở xã lo lắng vì vi phạm nội quy. Cũng may là không có gì xảy ra. Vì lúc đi nước lớn nên chị của em, Bích Ngọc, chèo xuồng cho cô và các bạn nữ đi còn các bạn nam đi bộ. Ra đến biển cô trò ngồi chơi. Cô mua bắp nhờ người ta luộc rồi bánh kẹo còn ở liên hoan cô trò cùng ăn rồi về. Lúc về nước đã rút nên cô trò phải đi bộ hết. Về đến nhà cô cũng bị ban chỉ huy chiến dịch phê bình do tự ý tổ chức cho các em đi chơi.

Ngày cuối cùng rời An Điền, cô dặn các em không được đi theo tiễn cô, hãy ở nhà hết vì nếu không cô sẽ giận và không viết thư. Hồng Lê và Út Mười bảo có phải cô sợ thấy các em sẽ khóc không làm cô cũng chỉ cười. Vậy mà bất chấp, trời vừa mờ sáng, nhiều em đã tập trung hết ở nhà cô. Các em mang cho cô nhiều quà, cá cua đủ cả. Không thể từ chối nên cô mang luộc hết cho các bạn cùng ăn còn cô ngồi trên võng cạnh các em. Cô ôm Út Mười và em cùng ngồi bên cô và cô trò mình hát tất cả những bài hát mà mùa hè xanh qua cô đã dạy các em, vừa hát vừa khóc. Lúc chuẩn bị xuống thuyền, cô chẳng muốn xuống khi nhìn các em. Các em vừa khóc vừa nắm lấy tay cô còn cô cũng không hơn gì. Chần chờ mãi nên bạn cô phải đẩy cô xuống rồi đi. Thuyền đi xa dần nhưng cô vẫn thấy các em đứng trên thành cầu vẫy tay chào tạm biệt cô. Trong thâm tâm, cô hy vọng và nghĩ rằng sẽ có dịp trở về thăm lại các em.

Về thành phố, cô nhận được rất nhiều thư của các em gởi. Vì không thể gởi hết cho từng em nên cô gởi chung rồi bảo các bạn chia nhau đọc. Cô buồn khi một số em vì hoàn cảnh gia đình phải nghỉ học giữa chừng. Nghĩ quá tội nghiệp cho các em, tuổi đời còn quá trẻ phải mang trên mình gánh nặng nghiệp mưu sinh cho gia đình. Các em của cô cũng bằng tuổi các em, ngây thơ, con nít vô cùng, chỉ biết mỗi việc ăn và học thôi. Các em cứ mong hè đến cô xuống dạy các em tiếp tục. Ngơi quậy phá là vậy mà viết thư cho cô cũng tình cảm lắm. Em bảo ngày ngày đi tưới cây, nhìn cây lớn em nhớ cô. Em bảo nếu không có cô em lên lớp không được. Các em bảo cô là người cô tuyệt vời nhất mà em có nhưng các em có biết đâu chính các em mới là những học trò tuyệt vời nhất mà cô có được. Cô buồn khi mình chỉ có mỗi tấm lòng, không có điều kiện giúp các em. Có em thương cô gởi tặng cho cô một nửa chiếc khăn giấy, có lẽ đó là món quà em quý nhất ai đó tặng em vì ở đó em chưa thấy khăn giấy bao giờ tặng cô nhân ngày 20/11 cho cô giáo mà em yêu thích nhất. Nhìn tấm khăn giấy đó mà cô bậc khóc.

Các em bảo lớp học phải chia ra không được học chung nhưng ngày lễ như 20/11, các em lại đăng ký tham gia văn nghệ bằng những bài hát cô đã dạy để nhớ về cô. Có em chép cả bài thơ Nhớ Con Sông Quê Hương của Tế Hanh tặng cô, bảo cứ đọc bài thơ lên là em nhớ cô. Đọc thư các em cô cũng vui và xúc động lắm. Nét chữ học trò nhà quê nghèo khó , dù sai chính tả nhưng hiền lành, tình cảm đậm sâu, chân thành vô cùng. Vậy mà đến mùa hè xanh năm sau và năm sau nữa, cô cũng chẳng thể có cơ hội xuống An Điền vì phải đến các nơi khác cũng ở Bến Tre. Để rồi khi các em thấy cô trên truyền hình Bến Tre, các em viết thư trách móc cô không nhớ các em, cô có học trò mới bỏ các em nên mới không về đây dạy các em và so sánh các thầy cô giáo mới của em với cô. Làm sao cô quên được các em và chẳng có lớp học trò nào cô thương và quý như các em cả. Tất cả thư từ của các em cũng như những món quà bé nhỏ em tặng, nữa tấm khăn giấy, quyển sổ nhỏ Bảo tặng cô, cô đều giữ đầy đủ cẩn thận để trân trọng tấm lòng của các em đối với cô. Cô hứa sẽ về thăm nhưng đến tận bây giờ điều đó vẫn chưa hề xảy ra.

Giờ viết những dòng này khi cô đã ở một chân trời xa khuất, cách các em cả nữa quả cầu trái đất, giữa hai bến bờ đại dương. Mấy năm đầu sang Mỹ cô vẫn cố gắng gởi thư về cho các em biết tin nhưng rồi sau đó cô cũng bị cuốn vào dòng xoáy của nghiệp mưu sinh nên không còn có thói quen viết thư cho ai nữa cả. Các em giờ chắc đã khôn lớn, trưởng thành, nhiều em chắc đã có gia đình rồi phải không? Tuổi đời của các em hiện nay còn lớn hơn tuổi của cô ngày xưa khi tham gia chiến dịch về đó dạy các em. Giờ cô trò mình mà gặp nhau chắc cũng chẳng thể nào nhận ra nhau vì hơn 10 năm rồi còn gì. Đối với cô, các em là những em học sinh đặc biệt giúp cô có một phần kỹ niệm tươi đẹp, tuyệt vời mang theo bên mình. Các em chính là nguồn động viên tinh thần, là động lực để cô làm tốt công việc ở mùa hè xanh, giúp cô có một mùa hè rất vui và ý nghĩa, một phần kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời mình.

Cô cảm ơn tấm chân tình của các em, cảm ơn các em bao năm rồi vẫn thương quý cô như ngày nào. Cô thấy mình nợ quá nhiều người, nợ niềm tin, sự thương yêu, chờ đợi của các em và gia đình em, của những người đã giúp đỡ cho cô và các bạn cô những ngày ở An Điền. Đó là những trang nhật ký, những hành trang êm đềm, tươi đẹp, đầy tình cảm và yêu thương mà cô luôn giữ bên mình. Mỗi khi nhớ về các em, cô lại mang thư , quyển nhật ký và quyển lưu bút về lớp mình ngày xưa ra đọc để nhớ về 22 em học trò dễ thương thưở nào của cô. Lúc nào cô cũng thầm chúc cho các em những điều tốt đẹp nhất. Cô mong sao các em dù sau này có khôn lớn, trưởng thành, nếu các em có điều kiện, xin các em hãy dành một phần những công việc có thể ngoài gia đình của em để giúp đỡ những em nhỏ thiếu điều kiện, kém may mắn không được đến trường ở quê mình để các em ấy cũng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn. Hy vọng một ngày nhân duyên đủ đầy cô trò mình sẽ gặp nhau ở một hoàn cảnh khác tốt đẹp hơn nha em.

Cô thương và nhớ các em nhiều lắm

Ngọc Hằng



Có phản hồi đến “Xanh Mãi Những Bước Chân Tình Nguyện”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com