Ngũ Đài sơn , nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài, địa cấp thị Hãn Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn tại Trung Quốc. Núi này là nơi có nhiều chùa chiền, tự viện quan trọng nhất Trung Quốc. Khu di sản văn hóa Ngũ Đài Sơn bao gồm 53 chùa, được đưa vào danh sách di sản thế giới của UNESCO năm 2009.

Mỗi một trong số 4 núi (Ngũ Đài Sơn, Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn, Phổ Đà Sơn) đều được coi là nơi ở hay nơi tu hành của một trong số bốn vị bồ tát là Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng và Quan Thế Âm.

Ngũ Đài Sơn gắn liền với Văn Thù bồ tát Ngũ Đài Sơn cũng có quan hệ lâu dài với Phật giáo Tây Tạng.

Ngũ Đài Sơn có tên gọi như vậy là do địa hình bất thường của nó, bao gồm 5 đỉnh thuôn tròn (Bắc, Nam, Đông, Tây, Trung) hay còn gọi tương ứng là Diệp Đấu phong, Cẩm Tú phong, Vọng Hải phong, Quải Nguyệt phong và Thúy Nham phong; trong đó đỉnh phía bắc (Bắc Đài hay Diệp Đấu phong) là cao nhất và trên thực tế là đỉnh núi cao nhất tại miền Hoa Bắc.

Ngũ Đài Sơn từng là số một trong số 4 núi được nhận dạng và thường được nói tới như là "số một trong số tứ đại danh sơn". Nó được nhận dạng trên cơ sở đường đi tìm đạo trong Avatamsaka Sutra ( Hoa Nghiêm kinh), được miêu tả như là nơi ở/tu luyện của nhiều vị bồ tát. Trong chương này, Văn Thù bồ tát được coi là cư ngụ tại một "ngọn núi mát lạnh và trong lành" ở phía đông bắc. Điều này được coi là đặc điểm riêng biệt để nhận dạng ngọn núi này và tên gọi khác của nó "Thanh Lương Sơn"  nghĩa là núi trong lành và mát lạnh.

Người ta tin rằng bồ tát Văn Thù thường hiển linh trên núi này dưới dạng của những người hành hương hay nhà sư bình thường hoặc hay xuất hiện dưới dạng các đám mây ngũ sắc bất thường.

Tổng cộng có 39 chùa chiền trong khu vực bên trong Ngũ Đài Sơn và 8 chùa chiền bên ngoài Ngũ Đài Sơn. Ngũ Đài sơn là nơi duy nhất có sự kết hợp các dòng Phật giáo của người Hán bản địa với các dòng Phật giáo từ Tây Tạng và Nội Mông Cổ nên được các dân tộc ít người tại Trung Quốc rất tôn sùng.

Chùa Nam Sơn là chùa lớn nhất trên Ngũ Đài Sơn, xây dựng từ thời nhà Nguyên. Chùa bao gồm 7 tầng, chia ra làm 3 phần. Ba tầng thấp nhất được gọi là Cực Lạc tự ( tầng giữa gọi là Thiện Đức đường ; ba tầng trên gọi là Hữu Quốc tự . Các chùa chiền chính khác còn có chùa Hiển Thông, chùa Tháp Viện và Bồ Tát đính.

Các chùa quan trọng khác bên trong Ngũ Đài Sơn còn có: chùa Thọ Ninh, chùa Bích Sơn, chùa Phổ Hóa, Đại Loa đính, chùa Thê Hiền, Thập Phương đường, chùa Thù Tượng, chùa Quảng Tông, chùa Viên Chiếu, động Quan Âm, chùa Long Tuyền, chùa La Hầu, chùa Kim Các, chùa Trấn Hải, Vạn Phật các, chùa Quan Hải, chùa Trúc Lâm, chùa Tập Phúc, chùa Cổ Phật v.v.

Các chùa bên ngoài Ngũ Đài Sơn có: chùa Duyên Khánh, chùa Nam Thiện, chùa Bí Mật, chùa Phật Quang, chùa Nham Sơn, chùa Tôn Thắng, chùa Quảng Tế v.v.

Ngũ Đài sơn là nơi Văn Thù hiển thánh, truyền thuyết kể như sau: Một năm nọ nơi đây có tổ chức một bữa tiệc ăn chay lớn. Một phụ nữ hành khất dắt theo hai đứa con nhỏ và một con chó đói tới ăn xin, được cho ba xuất, chưa cho là đủ, nói: "Con chó cũng nên có phần". Hòa thượng cho thêm một xuất, người phụ nữ lại nói: "Trong bụng tôi còn một đứa bé cũng nên có phần". Vị hòa thượng nổi giận: "Đứa bé còn chưa sinh ra cũng đòi phần ăn, thật không biết thế nào là đủ". Người phụ nữ bèn đáp:"Chúng sinh bình đẳng, thai nhi chẳng nhẽ không phải là người?". Nói rồi, người phụ nữ cắt tóc, bay lên trời, xuất hiện pháp tướng Bồ Tát, hai đứa con hóa thành hai đồng tử, con chó biến thành sư tử xanh. Đến nay Ngũ Đài sơn còn có Phát tháp Văn Thù, tương truyền là nơi cất giữ tóc của Văn Thù.

Nghe nói núi Ngũ Đài vốn gọi là núi Ngũ Phong, thời tiết ác liệt, mùa đông giọt nước thành đá, mùa xuân gió thổi cát bay, mùa hè nóng bức khó chịu, nông dân không thể ra đông làm ruộng. Bồ tát Văn Thù đến đây truyền bá giáo nghĩa phật giáo, thấy mọi người khốn khổ, quyết định làm thay đổi thời tiết. Bồ tát Văn Thù biết rằng Long vương biển Đông có một hòn đá thần gọi là “Yết Long Thạch”, có thể làm thời tiết kho ráo trở thành ẩm ướt, nên hoá phép thành một hoà thượng đi mượn Yết Long Thạch với Long vương.

Bồ tát Văn Thù gặp Long vương, nói rõ ý muốn của mình. Long vương xin lỗi: “sư phụ mượn gì cũng được, riêng Yết Long Thạch không thể cho mượn, vì thạch này đã mất hàng trăm năm mới vớt từ đáy biển lên, rất mát mẻ, hàng ngày con cháu làm lụng về nhà, mồ hôi nhễ nhài, khô nóng khó chịu đều nằm nghỉ trên Yết Long Thạch, nếu sư phụ mượn đi rồi, con cháu không có chỗ nghỉ mát nữa.”

Bồ tát Văn Thù nói đi nói lại mình là hoà thượng núi Ngũ Phong, là muốn đem hạnh phúc cho dân gian mới đến đây mượn Yết Long Thạch.

Long vương không muốn cho mượn đá thần, lại không thể từ chối. Đoán bụng hoà thượng này không đủ sức vác hòn đá này đi, Long vương bèn nói: “đá thần này rất nặng, không ai giúp sư phụ, nếu sư phụ vác được thì vác đi.”

Bồ tát Văn Thù cảm ơn Long vương và đọc thần chú hòn đá to lập tức trở thành viên đá nho nhỏ. Bồ tát Văn Thù để viên đá này vào ống tay áo, rồi bay đi. Long vương rất kinh ngạc, hối hận không kịp.

Bồ tát Văn Thù để hòn đá thần vào một thung lũng giữa hai dãy núi, chuyện kỳ diệu xuất hiện: núi Ngũ Phong lập tức trở thành một bãi chăn nuôi thiên nhiên rất mát mẻ. Cho nên, thung lũng này được gọi là thũng lũng Thanh Lương, người ta lại xây một chùa ở đây, gọi là chùa Thanh Lương, núi Ngũ Đài cũng đổi tên là núi Thanh Lương. Đến nay, núi Ngũ Đài lại gọi là núi Thanh Lương.

(Tổng hợp từ wikipedia)



Có phản hồi đến “Ngũ Đài Sơn - Đạo Tràng Của Văn Thù Bồ Tát”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com