Mục Lục

Sự linh ứng

Năm 1967, sau khi đại hội thành lập Ðoàn Du tăng Khất sĩ Non bồng diễn ra vào ngày 23/7 tại Tây viện Quan Âm Tu Viện, tối đến tôi mở một quyển sách đọc một câu chuyện thời chiến tranh đệ nhị thế chiến (1945). Lúc bấy giờ trục phát xít Ðức – Ý – Nhựt chia nhau thôn tính hoàn cầu, Nhựt bản đánh chiếm toàn bộ các quốc gia Ðông Nam á, Ðông Bắc á…tại Myanmar có một Viện Bảo Tàng Phật giáo ở giữa rừng, thờ nhiều phiến đá trong đó có điêu khắc Tam Tạng kinh điển, khi chiến tranh lan đến đây nhưng các bên không đánh nhau nơi có thờ Tam Tạng thánh điển, do vậy mà các gia đình trong vùng có chiến tranh di tản đến nơi thờ kinh điển để tị nạn và trú ngụ an toàn cho đến khi chấm dứt chiến tranh.

Tại Quan Âm Tu viện, pháp tháp Huyền Diệu Quan Thế Âm thờ thánh tượng Quan Âm cao 7,2 mét được xây dựng vào năm 1970, đến ngày 19/6 năm Tân hợi (1971) tổ chức lễ khánh thành, dưới sự chứng minh của Ðức Hòa Thượng Tôn Sư Mẫu Trầu, có khoãng 20.000 Tăng Ni, Tín đồ Phật tử các Tự Viện trong tông phong, từ các nơi về tham dự đông đủ. Thánh tượng là một tượng đài Ðức Phật mẹ Quan Âm mặc áo màu trắng, tay cầm bình tịnh thủy, tay cầm nhành dương liễu đứng sừng sững giữa pháp tháp, nơi đây là biểu tượng của Quan Âm Tu Viện, cũng là sự tín ngưỡng tôn quý đức Bồ tát Quan Âm rất linh hiển, giúp nhiều bà con thoát qua nạn tai trong chiến tranh Việt Mỹ.

Ngày 19 tháng 2 năm Giáp dần (1974), chiến tranh Việt-Mỹ gần kết thúc, Ðức tôn sư và chúng tôi thường xuyên đi núi Sập, thăm viếng Ðức Sư Ông, vì lúc bấy giờ huyển thân ngài yếu, có thể đi về với Tổ Phật không biết lúc nào. Một duyên lành khác tiếp đến, tôi được Sư Giác Nguyên tặng quyển Việt nam Thi văn Hợp tuyển của Giáo sư Dương Quãng Hàm (Trung tâm học liệu xuất bản lần thứ 9, Saigon 1968) để tôi đọc học, trong đó có mục Quan Âm Thị Kính, thơ văn có 786 câu, tác giả Vô Danh, truyện chia ra làm 5 hồi như sau: Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng – Thị Kính đi tu – Thị Kính mắc tiếng oan với Thị Mầu – Thị Kính nuôi con Thị Mầu – Thị Kính rữa sạch tiếng oan và thành Phật. tuy sách giới thiệu đủ năm hồi, nhưng trên thực tế chỉ trích giảng từ câu thứ 123 đến câu 344 mà thôi.

Sách có nhắc đến việc Kỉnh Tâm trước khi chết có viết thơ để lại cho mọi người, sau khi xem thư tuyệt mệnh, người nhà mới biết tội mưu giết chồng là oan. Khi liệm thi hài, Sư Vãi trong chùa mới rõ Kỉnh Tâm là phụ nữ (nhưng sách không trích bài thư tuyệt mệnh của Kỉnh Tâm). Vậy là cả hai nổi oan đều được tháo gở.

Bức thơ tuyệt mệnh:

Thị Kính, pháp danh Kỉnh Tâm gởi cho cha mẹ:

Ơn sơn-hải một chút chi chưa báo, ở sao đành dù đi có sao đành. Phận liễu-bồ mười đấy cũng là không, Sống đã tủi dù thác đi cũng tủi. Trăm hơn dặm bỗng xảy ra muôn kiếp,

Một tấm lòng xin gửi lại mươi hàng.

Thị Kính nay:

Hổ Phận nữ-nhi,

Nhờ nền phúc-ấm,

Từ kết tóc sớm trao giây tú-mạc, ba thu vừa mới ấm chăn loan.

Vì cắt râu nên nỗi sóng Ngân-hà, một khắc nào ngờ tan dịp thước.

Tòa Ngưu-Nữ đôi bên cách trở,

Khóm thung-huyên đòi-đoạn bồi-hồi.

Chốn phấn-hương thẹn với nước-non,

Ðặt gánh hiếu phải sa rời dặm khách

Miền Bát-Nhã tìm vào mây khói,

Nương bè Từ cho vượt khỏi sông mê.

Ðuốc quang-minh đốt cháy thành sầu,

Bể khổ-hạnh bỗng nảy lên bãi giác.

Cảnh Văn-Tụ mừng vui miền thứu-lĩnh,

Rảy cành dương chẳng bợn chút trần-ai.

Ả Thị-Mầu đơm đặt chuyện Vu-sơn,

Gầy vóc liễu đã cam lòng giả sở.

Thủa làm vợ để chồng ngờ thất tiết,

Lúc làm trai cho gái đổ oan tình.

Ðoái nghĩ, ơn chín chữ cù-lao, xa-xôi chốc đã sáu thu, khoải-khoắc bận lòng khi đán-mộ.

Tưởng đến nỗi đôi bờ ly-biệt, nuôi-nấng gọi là một chút, viếng thăm thay mặt buổi thần-hôn,

Muôn phần bội bạc đã cam rồi,

Trăm lạy nghiêm từ xin ở lại.

Ðạo Phật là thế đấy, oan ức không cần biện bạch, biện bạch là hèn nhác; Kỉnh Tâm đến khi bỏ xác thân tứ đại mới nói nên lời. Sinh tiền Ðức tôn sư Mẫu Trầu cũng như thế, trong quá trình hành đạo, ngài thường xuyên bị dư luận mạ lỵ khinh chê ngài, nhưng lúc nào ngài cũng lặng thinh mà niệm Phật hay thuyết giảng nhằm giữ vững tinh thần cho môn nhơn đệ tử an tâm tu học. Trải suốt trên năm mươi năm trường cho đến khi viên tịch, được Hội đồng Chứng Minh Trung ương Giáo hội PGVN đến tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng!

Sinh tiền Ðức tôn sư dạy:

Ngàn năm công khó không người biết

Một kỷ siêu thăng thiên hạ hay

Ngày 25/4/1975 bộ đội Mặt trận giải phóng miền Nam tiến chiếm đến Trảng bom, đến ngày 28/4/1975 thì đến sân bay Biên hòa, tại Quan Âm Tu viện có trên 600 người gồm Tăng Ni, Tăng Ni sinh, cô nhi đang cư trú, ngày đêm tụng kinh Phổ Môn cầu nguyện hòa bình, cầu tai qua nạn khỏi cho đến ngày 29/4/1975 Ban Giám đốc Quan Âm Tu viện quyết định đưa một số cô nhi đến nhà Ông Mười Ðiều tại ngã ba Vườn mít lánh nạn, vì bấy giờ thị xã Biên hòa do Quân Giải phóng kiểm sóat rồi. Tuy nhiên tại Quan Aâm Tu Viện còn rất căng thẳng: “…Quân Giải phóng ở phía trước Tu viện, Ngụy quân đã “đầu hàng” rồi, nhưng muốn có thêm trận đánh nữa, nên trốn ở phía ngòai sau Tu viện, bên Giải phóng ở phía trước Tu viện bắt loa kêu gọi “Ngụy quân đầu hàng”, Ngụy quân thì dàn trải chiến xa M113 từ phía núi Châu thới chỉa mũi súng thẳng về bên hông Tu viện, hai bên chuẩn bị đánh nhau một trận cuối cùng; trong khi đó hằng trăm tu sĩ Tăng Ni, cô nhi ở trong Tu viện tụng kinh niệm Phật, treo nhiều lá cờ Chữ Thập Ðỏ lớn bằng chiếc đệm để kêu gọi không đánh nhau. Cuối cùng vào lúc 14 giờ ngày 29/4/1975 có một Ông Sư Khất sĩ xuất hiện cầm súng AK đứng trước cổng Tu viện giữ trật tự, thỉnh thoảng đi vào pháp tháp Quan Âm, rồi lại đi ra cổng, đi đi lại lại “ông Sư cầm súng đứng trước cổng Tu viện như là một thiên thần cứu thế”, tín hiệu về chuyện đánh nhau sẽ không thành việc nữa rồi; cho đến 19 giờ cùng ngày giông bão đến, trời trút một cơn mưa cực lớn đến 23 giờ mới tạnh…thế là chuyện đánh nhau giữa đôi bên sẽ không có, cho đến 11giờ 30 hôm sau, ngày giờ hòa bình đã đến: 30/4/1975.

Việc tụng kinh Phổ Môn, treo cờ Chữ Thập Ðỏ, hình ảnh Ông Sư cầm súng AK và Trời đổ một trận mưa to kéo dài…có bốn sự duyên, phải chăng đây là những pháp lực Quan Âm Bồ tát hộ trì cho Tu viện và Tăng Ni, cô nhi tụng kinh Phổ Môn cầu nguyện tại Quan Âm Tu Viện.

Ðến năm 1988, gặp được quyển sách Quan Âm Thị Kính cũng của tác giả Khuyết Danh, đọc tiếp cho đến ngày 19/2/Tân mão (2011), lại tiếp tục được gặp áng thơ nôm Quan Âm Thị Kính…

Với nhiều nhơn duyên với ngài như vậy, tôi viết lời giới thiệu thơ nôm Quan Âm Thị Kính”, trở thành bài pháp đưa vào sách”Một trăm ngày niệm Phật &Một trăm bài pháp tập II” giới thiệu một hiện thân vi diệu, một siêu nhân vĩ đại với đức hiệu Quan Âm Thị Kính trong văn học Việt nam, văn học Phật giáo Việt nam, trong các sách viết về Phật Bà Quan Âm, Mẹ hiền Quan Âm.

Tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính, sở dĩ gọi tên tác giả là Khuyết Danh vì có hai giả thuyết như sau:

1/. Theo nhà nghiên cứu văn học Hoa Bằng (1902-1977) thì tác giả của tập thơ nôm nầy là Nguyễn Cấp, một nhà văn sống vào nửa đầu thế kỷ thứ 19. Ông là người ở thôn Thượng, xã Nguyên khiết, huyện Thọ xương, thuộc Tp.Hà nội. Sau khi đổ Giải Nguyên năm Quý dậu (1912), ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Thiên Trường (1929). Sau vì một chuyện lôi thôi trong kiện tụng mà vợ ông có dính líu, ông bị bắt giam, nhưng trốn được. Nhờ nguyễn Công Trứ bấy giờ làm quan Tham tán quân vụ ở Lạng giang che chở, nên ông đến ẩn tu hành ở tại đây. Tác phẩm Quan Âm Thị Kính được ông sáng tác vào lúc cuối đời, đã thể hiện phần nào tâm sự u uất của ông.

2/. Theo gia phả nhà họ Ðổ ở Bắc ninh do Dương Xuân Thự cung cấp, thì truyện thơ Quan Âm Thị Kính do Ðổ Trọng Dư (1786-1868) sáng tác. Ông là người xã Ðại mão, huyện Siêu lọai, xứ Kinh bắc, nay thuộc tỉnh Bắc ninh. Ðổ Hương cống năm 1819, ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Quốc oai. Ở chức nầy ông bị kiện là thu tiền của dân không hợp lệ nên bị bãi chức (có một nho sinh muốn xin ông một chức vị trong phủ nhưng ông không cho, nên làm đơn kiện ông), về nhà dạy học. Chán nản với thế sự, ông đã viết thơ Quan Âm Thị Kính để gởi tấm lòng mình. Năm 1876, con ông là Cử nhân Ðổ Trọng Vĩ chép lại, đến năm 1948, thì tác phẩm in bằng chữ quốc ngữ, trên bản in đề rõ là của Ðổ Trọng Dư.

Trong khi chờ đợi xác định ai là tác giả của tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính, các sách Văn học Việt nam vẫn tạm ghi là Khuyết Danh.

Như vậy, một tác phẩm của Khuyết Danh, một tác phẩm của Ðổ Trọng Dư, một của Nguyễn Cấp; theo tôi thì Khuyết Danh cũng là một tác giả, tức là ba tác giả và theo Giáo sư Nguyễn Huệ Chi còn có một tác phẩm có bản in sớm nhất hiện còn là vào năm Tự Ðức thứ 21 (1868) cùng một nôi dung. Dù là của ai tôi vẫn tôn quý trọng thị biết ơn người xưa, các tác giả đã dày công tu hành, nghiên cứu kinh Phật, hiểu biết giáo lý Phật mà biên sọan tập thơ nôm Quan Âm Thị Kính là một công trình vĩ đại trong văn học Việt nam.

Thơ nôm Quan Âm Thị Kính là tập thơ thuộc văn học Việt nam, nhưng nội dung diễn tả câu chuyện của các nhân vật, quê hương của các nhân vật chính là nước Cao ly? Phải chăng tác phẩm ra đời vào triều đại vua Tự Ðức trị vì và những triều đại kế tiếp gần như bị Tây hóa, lòng người chạy theo cuộc sống giàu sang sung túc, quyền thế, mua quan bán chức, giữa một xã hội lọan ly, những người tốt, người yêu nước, người ngay thẳng thường bị hại; các tác giả là người “làm quan trung trực bị hại”, gặp nhiều nỗi oan ức, nên biên sọan tác phẩm Quan Âm Thị Kính nêu lên những nỗi oan ức của Thị Kính để gởi nỗi khổ niềm đau, nổi oan ức của mình vào tập truyện mà hóa giải bằng con đường tâm linh, có lẽ vì vậy mà tác giả lập luận câu chuyện ở xa tít tận Cao ly để cho quan quân triều đình, xã hội không để ý, không còn ám hại nữa?

Một ý nghĩ khác, có thể tác giả là một bậc tu hành đắc đạo, biết được hạnh lợi tha của Bồ tát là vô biên “không phân biệt Việt nam hay Cao ly”. Nhưng nếu nếu cốt truyện Quan Âm Thị Kính là thơ nôm Việt nam, mà nhân vật chính cũng là người Việt nam thì hay biết mấy! Vả lại xứ sở Việt nam là xứ Phật giáo, nếu tác giả diễn tả Phật bà Quan Âm thị hiện ở Việt nam như nhân vật Thị Kính- Kỉnh Tâm thì cũng xứng đáng lắm vậy!

Ở Việt nam còn có thơ nôm Quan Âm Diệu Thiện cũng ít phổ biến trong quần chúng. Một câu chuyện Quan Âm khác nữa, ở vào triều đại nhà Lý, nhà vua Lý Thánh Tông có người phi là Ỷ Lan, mẹ sinh ra Lý Nhân Tông. Khi vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, Ỷ Lan phu nhân ở nhà, thay vua trị nước rất giỏi, nhân dân rất mến phục, tôn vinh Bà là Quan Âm nữ (Phật bà Quan Âm). Theo Ðại Việt sử ký tòan thư, thì năm 1096, phu nhân có bày cổ chay ở chùa Khai Quốc, (hiện nay gọi là chùa Trấn Quốc) cúng dường các vị Sư và cùng các vị Sư bàn về lịch sử truyền bá Ðạo Phật vào Việt nam. Nội dung cuộc đàm luận nầy được ghi lại trong cuốn “Thuyền Uyển Tập Anh ngữ lục” đời Trần (Phật học từ điển, trang 811, của Thích Minh Châu, Minh Chi, NXB Khoa học Xã hội, Hà nội năm 1991).

Thơ nôm Quan Âm Thị Kính gồm có 786 câu chính, 2 câu kết luận thành 788 câu, và bức thơ riêng của Thị Kính gởi cho cha mẹ trườc khi ngài liễu đạo thành Phật Bà Quan Âm; trong Việt nam Thi văn Hợp Tuyển của Giáo sư Dương Quảng Hàm chỉ thấy nói 786 câu, tức là Giáo sư không nói đến 2 câu kết luận, e rằng có thiếu sót chăng?

Trong sách Một trăm ngày niệm Phật & Một trăm bài pháp tập II nầy, nhắc đến áng thơ nôm Việt nam Quan Âm Thị Kính để quý Phật tử, đọc giả cùng tìm học đọc vừa là cổ xúy thơ nôm Việt, vừa hiểu biết tận tường về sự thị hiện của đức Bồ tát Quan Âm, đức Bồ tát thể hiện hạnh lành “Thiện hiện hạnh”, trong tam hiền, hay “Pháp Vân địa” trong thập thánh; nêu cao ý chí nhẫn nhục từ bi của người Phật giáo nói chung, người con Phật tại Việt nam nói riêng và góp phần làm tăng trưởng mức độ tín ngưỡng Bồ tát Quan Âm trong cộng đồng Phật tử Việt nam và thế giới.

Phần kết:

Nói về Quan Aâm Thị Kính, người xưa cũng muốn nói đến chổ tu hành thành Phật đắc đạo là không dễ dàng. Quá trình tu hành cần có sự dày công tu tập, thực tập thiền tụng, công phu công quả, thực hành khổ hạnh, nêu cao chí khí nhẫn nhục, học tập và phát huy đức tính từ bi của Ðức Phật, giới luật tròn đầy thì quả vị mới cao. Lời Ðức Tôn sư thường dạy:”Phật dụng tâm (sự quyết chí), không dụng nhiều mâm nhiều quả; chịu khổ hạnh tu hành mới giỏi, công cho dày quả vị mới cao…”

Người phát huy được nội lực tu hành, dù ở trong chốn thâm sơn cùng cốc, Ðức Phật cũng thân hành giáng lâm chứng minh. Người tu hành nhờ công phu tu tập khó khổ trong một đời dù người thế gian không hay biết, nhưng đức Phật biết, Thánh biết, sự quan tâm của Ngài làm cho giáo pháp Ðức Phật ngày càng trong sáng thêm lên, hội nhập phù hợp từng thế kỷ từng thời đại.

Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Giáo Chủ Thọ Quang Thể Tướng, Vô Lượng Vô Biên Từ Thệ Hoằng Thâm, Tứ Thập Bát Nguyện Ðộ Hàm Linh, Ðại Từ, Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Như Lai Biến Pháp Giới Tam Bảo.



Có phản hồi đến “Ngày 65 – Giới Thiệu Thơ Nôm Quan Âm Thị kính”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com