Khi mua đất xong thì cũng hết tiền nên chưa thể tính việc xây cất mà chỉ dựng một cái chòi nhỏ để trú mưa nắng. Sẵn đất trống tôi tổ chức trồng lúa. Ấn Độ có giống lúa Basmati rất đặc sắc có thể nói thuộc vào bậc nhất nhì trên thế giới. Thầy Huyền Trang từng ghi trong hồi ký đây là loại gạo thơm dành riêng cho Phạm Thiên tức người cõi trên. (Đặc biệt giống này đem về Việt Nam trồng lại không được kết quả tốt). Lúa chúng tôi thu hoạch ăn không hết phải đem đi biếu các chùa khác. Ngoài ra tôi trồng khoai, cà, rau cải, bắp… Việc này mang lại niềm vui gợi cho tôi cảm giác như đang ở tại quê nhà Việt Nam lúc còn sống rất êm đềm với thầy Hoằng Nhơn nơi Mai Sơn Tự vùng Thất Sơn. Hầu như tôi không bao giờ để đất trống, thu hoạch từ việc trồng trọt dành cho anh công nhân Babulan, người địa phương, đem bán để nuôi gia đình. Tôi cũng đào giếng và làm một hệ thống dẫn nước tưới khắp khoảnh đất của mình.

Sáng sáng tôi hân hoan đi dọc theo bờ đất ngắm những liếp mạ xanh mơn mởn mới nhú rì rào trong nắng sớm, khoan khoái hít thở mùi thơm ngào ngạt khi lúa trổ đòng đòng. Đến kỳ lúa chín vàng tươi, tôi gặt rồi đem phơi, đập và xay xát. Quả thật không sao diễn tả hết niềm vui khi có trong tay hạt gạo do chính mình trồng, tự tay gieo mạ, nhổ cỏ, bón phân, ngày đêm trông chừng cho đến lúc gặt hái xong mang về nấu lên nồi cơm thơm phức và ngon lành. Đồng thời cũng thông cảm được hết nỗi vất vả của người nông dân đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm.

Chỉ đến khi bắt đầu công việc xây cất chùa, do quá bận rộn nên tôi đành phải bỏ việc trồng lúa mà chỉ còn để lại cây ăn trái. Việc trồng cây giai đoạn đầu cũng gặp thất bại. Vào mùa nóng tại Ấn Độ thời tiết có thể lên đến 48 độ C, vì vậy trong vài ba năm đầu phải chăm sóc hết sức cẩn thận. Trong khi đó hễ tôi đi vắng anh em ở chùa thường hay quên tưới cây, chỉ sau vài ba ngày cây đã khô héo mà chết. Sau đó tôi nảy ra sáng kiến dưới gốc mỗi cây đặt một lu nước bằng đất, hằng tuần đều châm nước đầy lu để vào mùa nóng rễ cây sẽ tự động tìm đến hút lấy nước trong lu mà sống. Kể từ đó cây cối trong chùa mới bắt đầu tươi tốt. Người dân địa phương thấy vậy cũng bắt chước phương pháp trồng cây này.

Pháp xá – Tòa nhà tri ân
Có đất rồi chúng tôi bắt đầu tính đến chuyện xây cất. Tôi quy tụ được một nhóm anh em cùng chí hướng hình thành Hội đồng điều hành do tôi đứng đầu (và cũng là người Việt Nam duy nhất), 27 anh em còn lại là người thuộc nhiều nước. Đầu tiên có người đề nghị:
- Thưa thầy bây giờ mình nên xây chùa.
Tôi bác đi:
- Xây chùa rắc rối lắm, phải tuân thủ theo kiến trúc đặc thù, phải coi hướng cùng đủ thứ chuyện phức tạp. Tôi đề nghị trước hết mình chỉ xây pháp xá có gian thờ Phật và vài ba phòng để ở tạm là được rồi.

Thầy trò ngồi lại bàn bạc, khổ nỗi trong anh em tuy nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng không ai có chuyên môn về kiến trúc. Thế là tôi quyết định đi Kolkata tìm tài liệu về xây cất.

Thời gian tôi vắng mặt, các anh em cùng nhau mày mò hình thành bản vẽ rồi quyết định bắt tay đào móng. Thế là việc khởi công xây dựng ngôi chùa tiến hành vào ngày 24 tháng 5 năm 1987 trên diện tích đất khoảng 1.500 thước vuông, nghĩa là gấp ba lần miếng đất lúc mới mua.

Người Việt chúng ta quen với tập tục mỗi khi xây dựng công trình quan trọng đều phải coi ngày giờ và cúng kiếng làm lễ động thổ nghiêm túc. Trong khi đó người Âu Mỹ lại không chú ý tới chuyện này. Khi trở về, đứng trước sự đã rồi tôi chỉ còn biết kêu trời:

- Thôi chết rồi, đây là một công trình có tính cách thiêng liêng mà mấy anh làm bừa bãi như vậy là không phải phép.

Nhưng họ trả lời:
- Thưa thầy thì giờ cấp bách quá, sắp hết kỳ nghỉ hè nên anh em phải tiến hành cho mau để còn trở về nước.

Đến khi tôi kiểm tra lại bản vẽ thì phát hiện anh em sơ sót không tính chuyện làm cầu thang! Phòng thờ Phật ở tầng lầu trên, chẳng lẽ mỗi lần thắp hương cúng Phật phải bắc thang trèo vào? Thế là phải vẽ lại. Ban đầu dự định mỗi phòng chỉ có bốn mét vuông để tiết kiệm diện tích và công xây dựng, nhưng mọi người bàn bạc căn phòng cỡ đó chỉ vừa cho tôi nhưng rất chật hẹp đối với các anh chị phương Tây. Anh em nói đùa:

- Thầy là người Á châu mới có thể ở được, còn dân Âu Mỹ mà cho ở trong phòng này khi trở ra chắc thành tôm luộc hết.

Họ đề nghị mở rộng gấp đôi, như vậy là căn phòng lên tới 16 mét vuông, mỗi bề 4 mét. Sau đó lại có ý kiến làm nhà vệ sinh ngay trong phòng cho tiện việc sinh hoạt chứ không xây bên ngoài theo kiểu Ấn Độ, thế là diện tích lại nở ra thành 32 mét vuông.

Lúc bấy giờ tôi rất phàn nàn vì hễ phòng càng lớn càng tốn kém, thế nhưng cho tới nay tôi phải cám ơn anh em vì cuối cùng họ đã hoàn thành tổng cộng 36 căn phòng rộng rãi và tiện nghi tại đây dành cho chư vị Phật tử thập phương có chỗ nghỉ ngơi trong thời gian chiêm bái đất Phật.

Việc xây dựng cũng trải qua nhiều gian nan. Vài con buôn tại đây có đủ mánh khóe gạt gẫm, chẳng hạn như thỏa thuận bán xi măng giá rẻ nhưng đến khi đem về mới thấy chỉ có một vài bao thật còn lại bao nhiêu chỉ toàn là sình đất.

Có khi xây xong hai cây cột thì hết tiền phải cho thợ thầy nghỉ, chờ đến năm sáu tháng sau có tiền lại làm tiếp. Hễ gom được bao nhiêu tiền tôi dồn vào mua sắt, thép, gạch để sẵn đó. Những người bán hàng đã quen lệ, hễ thấy tôi đến mua xi măng là biết sắp sửa tiến hành xây dựng.

Thời kỳ đầu thợ thầy hầu hết là người Ấn Độ. Sau đó tôi mời được một số thợ từ Việt Nam sang. Tôi vui mừng nghĩ đây là điều mầu nhiệm vì xưa nay vẫn ao ước tất cả những họa tiết trên tường hay cột kèo phải là những hoa văn truyền thống. Cả mái chùa cũng phải cong cong theo đúng hình ảnh các ngôi chùa cổ của Việt Nam.

Tuy nhiên nhóm thợ này cũng gây cho tôi một cú sốc lớn. Đa số anh em đều rất có lòng nhưng một thiểu số lại xử sự không hay. Họ lãnh lương của chùa nhưng rồi bỏ đi làm nơi khác, thậm chí còn lấy cắp vật dụng xây dựng mang đi. Tôi không hề hay biết trong suốt một thời gian khá dài cho đến khi chuyện này vỡ lở.

Người khám phá ra là bà Sâm, một thành viên trong Hội đồng điều hành Việt Nam Phật Quốc Tự. Thông thường bà Sâm dùng cơm trong nhà ăn, nhưng hôm đó không biết xui khiến làm sao mà bà và cô Lộc, một người bạn của bà, ngồi ăn ngoài khu vườn của chùa. Bỗng nhiên bà nhìn thấy người thợ Ấn Độ tên là Arlesht vác một túi lớn nên sinh nghi chặn lại. Hóa ra anh ta ăn cắp ngói của chùa mang đi bán.

Khi biết chuyện, tôi tìm hiểu thì lại vỡ lẽ trong chuyện này có dính líu đến một anh kiến trúc sư và hai người thợ Việt Nam. Đây là điều khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Khi khám phá ra mọi chuyện lại biết thêm một chi tiết khá đặc biệt khác. Số là những người này âm thầm lấy cắp đồ của chùa mà không ai hay biết nên mỗi tối họ vẫn trở về chùa như bình thường. Tuy nhiên ban đêm họ nằm mơ thấy mình bị chết, sáng dậy lo sợ kể cho nhau nghe rồi lời qua tiếng lại thế nào mà sinh ra to tiếng và đánh lộn. Vì vậy mà mọi việc bị phanh phui. Lúc đó những người thợ Việt Nam này mới sám hối và đến gặp tôi xin lỗi. Họ còn tiết lộ một điều thật lạ thường:

- Xin thưa thật với thầy, mấy lần chúng con lấy ngói của chùa nhưng hễ chở đến nơi giao ngói và mở ra thì tất cả đều bể hết không miếng ngói nào còn nguyên. Trời đất ơi, lúc đó chân tay chúng con bủn rủn hết!

Tôi bèn thu xếp đưa họ trở về nước. Có những sự việc lạ lùng lặp đi lặp lại nhiều lần như thế khiến tôi tin tưởng rằng: Tiền bạc hay đồ vật của Tam Bảo rất linh thiêng nên bất cứ người nào mưu toan lấy cắp đều gặp tai nạn. Chẳng hạn như trước đó khi tôi còn ở một mình, có mấy người Ấn Độ lẻn vào chùa ăn cắp xi măng, thế nhưng vác ra đến cổng bỗng nhiên họ đứng yên như bị trời trồng. Tôi đi ra bắt gặp anh thợ đứng đội bao xi măng lấy làm lạ mới hỏi thì anh ta trả lời:- Thưa thầy không hiểu sao con đội ra đến đây rồi không bước đi được nữa.

Tôi bèn biểu anh vác trở vô chùa, khi đó tự nhiên anh ta lại bước đi bình thường!

Sau sự kiện thợ Việt Nam lấy cắp đồ đạc tôi rất thất vọng, e rằng mình không có đủ duyên để mượn được những người thợ khéo tay trong nước. Tôi thành tâm cầu nguyện và cuối cùng cũng đã quy tụ được một số thợ khác từ Việt Nam sang tiếp tục làm việc. Sau khoảng gần năm tháng việc xây dựng Pháp xá hoàn thành.

Tuy phải đương đầu với nhiều rắc rối nhưng cứ mỗi lần gặp khó khăn ngăn cản tôi lại áp dụng các mật pháp do Thầy tôi chỉ dạy nên tôi càng vững vàng hơn, sau những vấp váp lại rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công việc và cuộc sống.

Tượng Tam Thế Phật

Thông thường trong một ngôi chùa phải có tượng Phật Thích Ca, tượng Đức Địa Tạng, Quán Thế Âm, Hộ Pháp v.v… Riêng một số chùa ở Bồ Đề Đạo Tràng chỉ thờ Đức Phật Thích Ca vì đây là thánh địa nơi Đức Phật đắc đạo. Một số chùa khác lại thờ Đức Phật Di Lặc, vị Phật của tương lai.

Riêng chùa Việt Nam đặc biệt thờ Tam Thế Phật gồm chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Ngoài ra chúng tôi cũng có thờ tượng Đức Hộ Pháp, Địa Tạng…

Đầu tiên thầy Minh Hiếu đặt trong nước làm các tượng Phật bằng xi măng cốt sắt với mẫu mã giống như hầu hết các chùa ở miền Nam hiện nay và gửi sang Ấn Độ. Tuy các bức tượng rất đẹp nhưng khuôn mặt lại được tạc giống người Ấn Độ. Một lần có đoàn Phật tử trong nước sang viếng chùa – trong số đó có thầy Thanh Phương ở Hồng Phúc Tự – đã đề nghị nên thờ tượng bằng gỗ đúng theo truyền thống Việt Nam. Quả thật những bức tượng sơn son thếp vàng ở các ngôi chùa cổ tại miền Trung và miền Bắc nước ta dù trải qua hàng ngàn năm vẫn giữ nguyên dáng vẻ oai nghiêm. Các vị cho rằng như vậy mới linh thiêng. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến này và thế là một số gia đình Phật tử trong nước và nước ngoài xin được cúng dường toàn bộ. Nhưng tôi đề nghị nên chia đều ra mỗi người một ít để cùng hưởng phần phước đức lớn lao này. Cuối cùng ngôi chùa Việt Nam có được các bức tượng Tam Thế Phật với gương mặt hoàn toàn Việt Nam, được tạc nên do chính đôi tay của các nghệ nhân Việt Nam.

Sau đó lại có người bàn rằng:
- Thưa thầy, chùa mình rất đẹp nhưng các cánh cửa lại làm bằng gỗ thường quá đơn giản, không có hoa văn trang trí vì thế không hài hòa.

Rồi các vị ấy đặt nghệ nhân Việt Nam làm một bộ cửa bằng gỗ lim với những hoa văn trang trí thật tinh vi và đặc sắc.

Đại hồng chung

Trước đó các tổ chức Phật giáo ở Nhật Bản và Hàn Quốc ngỏ ý tặng Đại hồng chung cho chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, nhưng tôi lại mong muốn chiếc chuông này phải được đúc từ Việt Nam, bằng đồng của Việt Nam và do chính những người thợ Việt Nam thực hiện. Trong suy nghĩ của tôi một cái chuông được làm từ trong nước như vậy đem qua Ấn Độ đánh lên mới thật linh thiêng và có ý nghĩa.

Khi về tới Sài Gòn, tôi được giới thiệu đến Long Thành gặp hai cha con ông Sính người Huế, một thợ chuyên nghiệp thuộc làng nghề truyền thống chuyên đúc chuông nổi tiếng ở Huế. Tôi đề nghị ông đúc cho tôi bốn quả chuông, mỗi cái cao ba thước, bề ngang gần hai thước, với tham vọng đặt bốn cái chuông Việt Nam tại bốn thánh địa Phật giáo.

Nhưng sau khi biết được chi phí một quả chuông lên đến bạc tỷ, tôi đành chỉ đặt làm hai cái cho hai ngôi chùa tại Bồ Đề Đạo Tràng và Lâm Tỳ Ni. Tuy nhiên họ yêu cầu tôi phải đặt cọc trước 50% tổng số tiền để mua nguyên vật liệu. Lúc bấy giờ tôi không đủ tiền nên đến năn nỉ hòa thượng Thiện Huê ở chùa Niệm Phật tại Bình Dương đứng ra bảo lãnh. Nhưng thầy Thiện Huê cho biết:

- Nói thật với thầy, trước đây tôi cũng đặt đúc cái chuông lớn như vậy và phải mang nợ suốt mấy chục năm nay. Nợ của tôi còn lo chưa xong thì làm sao có thể bảo lãnh cho thầy được!

Nghe vậy tôi cũng thất vọng phần nào. Lúc này trong túi tôi chỉ còn vỏn vẹn 250 đô la Mỹ nên rất bối rối không biết phải giải quyết cách nào. Nhưng vì quá tha thiết có được quả chuông đem về đất Phật nên tôi bèn áp dụng mật pháp trước đây đã thọ giáo với vị ân sư. Tôi cầm tờ 100 đô la (là tiền lương đi dạy học của tôi) thành tâm niệm Phật theo bài kinh Thầy tôi đã dạy rồi khấn: “Bạch Ngài, con đang xây dựng ngôi chùa trên đất Phật và ao ước sao có được hai chiếc chuông đặt tại Việt Nam Phật Quốc Tự nơi linh địa. Nhưng hiện con chỉ còn vỏn vẹn 250 đô la, nay xin dâng cúng 100 đô la mong Ngài gia hộ cho con làm được chuông”.

Sau đó tôi đến gặp cậu Thái, một Phật tử chủ tiệm vàng ở vùng Vườn Chuối – Sài Gòn. Tôi biết Thái trong dịp cậu ta sang chiêm bái đất Phật và dịp đó về nước tôi lưu lại tại nhà Thái hai hôm. Tôi đề nghị Thái làm thư ký kiêm thủ quỹ cho tôi và được cậu sốt sắng nhận lời. Những ngày sau đó, tôi cảm thấy yên tâm với niềm tin thế nào cũng xoay sở được tiền. Gần đến ngày tôi trở về Ấn Độ, khi biết được khoản tiền cần phải thanh toán cho hai quả chuông quá lớn, Thái tỏ ra hoảng hốt và lo lắng khiến tôi cũng bối rối theo. Thái nói với tôi:

- Thưa thầy, con tưởng hai quả chuông chỉ chừng một hai trăm triệu thì con có thể chạy lo phụ thầy được, đằng này số tiền lại lên đến cả tỷ bạc con đâu xoay sở nổi.
Tôi trấn an:

- Con đừng lo. Thầy nhờ con giữ tiền chứ không bắt con phải trả tiền cái chuông đâu.

Mặc dù nói vậy nhưng thâm tâm tôi cũng rất hồi hộp. Tuy nhiên mỗi lần thợ đúc chuông gọi điện thoại đến thì tôi đều nói cho họ yên tâm và hứa khi về Ấn Độ sẽ thu xếp tiền bạc gửi qua thanh toán đầy đủ.

Về đến đất Phật, tôi bắt đầu liên lạc mấy nơi hỏi mượn tiền. Đầu tiên là sư bà Đàm Lựu, một ni sư người Việt rất có đạo tâm sang San Jose xây một ngôi chùa trên đất Mỹ và được đông đảo Phật tử yêu mến. Nghe giá tiền hai quả chuông sư bà cũng giật mình nói rằng:

- Trời ơi sao thầy gan dữ vậy?

Tôi thưa với bà:

- Sư bà biết đó, đúc chuông, tạc tượng, in kinh chính là công đức vô lượng. Tôi cho rằng trong đời mình chỉ cần làm được một việc này là đủ mãn nguyện rồi. Vậy sư bà thông cảm cho tôi mượn 50 ngàn đô la.

Sư bà trả lời:

- Trời ơi, chùa tôi đang thiếu nợ còn chưa trả xong, lấy đâu cho thầy mượn!

Mất hơn nửa giờ đồng hồ trao đổi qua điện thoại, mặc dù sư bà rất tán đồng ước nguyện của tôi nhưng lại không có khả năng giúp đỡ. Vậy là hoàn toàn thất bại! Tuy vậy sự việc tôi cần tiền để đúc hai quả chuông lại đến tai một số gia đình Phật tử. Nhiều người liên lạc với tôi đề nghị đóng góp, trong đó có một gia đình ở Pháp và một gia đình ở Canada xin được cúng dường toàn bộ số tiền đúc hai quả chuông.

Thoạt tiên tôi vui mừng không sao kể xiết, sau mấy tháng trời hao tâm tổn trí tính toán, bỗng nhiên mọi việc được giải quyết một cách hết sức thuận lợi và dễ dàng. Nhưng rồi tôi suy nghĩ lại và thấy rằng một công đức lớn như vậy nên chia đều ra cho nhiều người. Do đó tôi đề nghị hai gia đình này chỉ đóng một phần và số còn lại để cho mọi người tùy ý góp theo khả năng của mình. Thế là chưa đầy một tháng sau, số tiền mọi người ở khắp nơi gửi về cho tôi đã gần đủ khoản tiền cần thiết.

Hễ nhận được tiền tới đâu tôi gửi ngay về Việt Nam đến đó cho ông Sính. Cuối cùng kiểm lại còn thiếu khoảng 9.000 đô la, tôi gom góp tiền lương của mình cộng với số tiền của Phật tử các nơi sang Ấn Độ hành hương cúng dường cho chùa thì vừa đủ. Đúng lúc ấy ông Sính điện thoại sang, hối thúc tôi gửi tiền về để hoàn tất công đoạn chót trong việc đúc chuông. Nếu tôi đích thân cầm số tiền này về sẽ phải tốn thêm khoản chi phí gần 2.000 đô la cho việc di chuyển và ăn ở. Vì vậy, nhân một đoàn Phật tử trong nước sang Ấn Độ hành hương, tôi bèn nhờ một anh thanh niên trong đoàn cầm về Việt Nam trao tận tay ông Sính.

Đưa tiền xong tôi cảm thấy hồi hộp, chỉ sợ rủi ro mất số tiền này thì không biết tính sao! Hai ba tuần lễ trôi qua, tôi đã bắt đầu an tâm thì bất ngờ ông Sính liên tục gọi điện cho biết chưa nhận được khoản tiền còn lại. Tôi lo ngại tìm cách điện thoại về nước cho anh thanh niên nhưng không sao liên lạc được. Còn đang rối rắm không biết giải quyết cách nào thì tình cờ được biết sư cô Nguyên Lưu ở Úc sắp về Việt Nam thăm con trước khi sang Ấn Độ làm công quả. Tôi bèn nhờ sư cô đến gặp người cầm tiền hỏi rõ mọi chuyện. Khi trở qua Ấn Độ, sư cô báo hung tin là số tiền 9.000 đô la coi như mất trắng! Tôi buồn lắm và tự hỏi không biết mình mang nặng nghiệp chướng gì mà việc xây dựng chùa cứ liên tục gặp hết trở ngại này đến trở ngại khác. Tôi đi lang thang quanh chùa nghĩ ngợi, lòng nặng trĩu rồi tự an ủi chắc kiếp trước mình đã từng gạt gẫm anh chàng ấy nên kiếp này phải trả. Khi đưa tiền tôi chẳng làm giấy tờ gì nên giờ này đành thúc thủ chẳng biết kêu ai. Nghĩ rằng việc này một phần cũng do lỗi của mình đã đánh giá lầm con người nên tôi xem như một bài học kinh nghiệm. Tôi cố gắng quên đi để giữ sự bình an trong tâm hồn và làm việc để kiếm tiền bù đắp vào khoản mất mát ấy vì tôi là người phải chịu trách nhiệm.

Không ngờ mấy tháng sau, một hôm thầy Minh Hiếu, một vị thầy tại Sài Gòn, gọi điện thoại cho tôi báo tin:

- Thầy Huyền Diệu ơi, linh hiển quá!

Tôi còn ngạc nhiên chưa hiểu gì thì thầy Minh Hiếu kể rằng sau khi nghe chuyện không may xảy đến với tôi, các đệ tử của thầy rất bất bình nên có một bà tự nguyện xung phong đi đòi nợ. Cuối cùng không hiểu bằng cách nào mà bà đã buộc được anh thanh niên kia hoàn trả đầy đủ số tiền 9.000 đô la. Đặc biệt bà không nhận bất kỳ chi phí hay một khoản huê hồng nào. Thoạt tiên tôi không tin nổi những gì thầy Minh Hiếu kể cho mình nghe và đó là một nỗi xúc động lớn lao. Quả là trong đời mình tôi đã gặp nhiều chuyện mầu nhiệm không sao giải thích được!

Tháng 9 năm 1998 hai quả chuông được đúc xong và chuyện tiền bạc cũng đã giải quyết ổn thỏa. Vấn đề đặt ra tiếp theo là việc chuyên chở. Theo qui định trong nước, muốn chuyển một vật phẩm quá lớn như thế ra nước ngoài phải tiến hành làm giấy tờ xin phép, mà những thủ tục hành chánh này tốn rất nhiều thời gian và công sức, phải qua nhiều tầng nấc từ Ban Tôn giáo, Bộ Văn hóa đến các cơ quan chức năng như hải quan, thuế vụ… Vậy là một lần nữa tôi thành tâm hướng về quê hương và khấn nguyện: “Con đã đúc được quả chuông như mong ước sau khi trải qua biết bao gian nan thử thách, giờ lại đến chuyện thủ tục mang đi thật muôn vàn khó khăn. Nếu quả thật con không có nhân duyên đem được chuông về đất Phật thì xin để lại cho trong nước sử dụng, còn nếu các Ngài nhận thấy con thành tâm và có chút phước duyên thì xin rủ lòng thương gia hộ cho mọi việc được dễ dàng”.

Khấn xong tôi quyết định không xúc tiến việc chạy xin giấy tờ vì thấy các thủ tục về giấy tờ quá khó khăn và lần hồi tôi cũng quên luôn chuyện này vì phải tập trung vào việc xây dựng ngôi chùa còn đang dở dang. Bỗng hơn một tháng sau, chính thầy Minh Hiếu lại gọi điện thoại cho tôi báo rằng đích thân thầy đến gặp các vị có chức trách trình bày mọi việc, nhờ vậy một số người đã tận tình giúp đỡ và hiện hai quả chuông đang trên đường sang Ấn Độ, cước vận chuyển đã có người tự nguyện cúng dường. Thầy bảo tôi chuẩn bị đi nhận quả chuông.

Nhưng mọi rắc rối không ngừng lại ở đó, vì khi đến đất Ấn Độ, muốn đem chuông từ Kolkata về bang Bihar cũng phải chạy lo đủ thứ giấy tờ vô cùng phức tạp. Sau quá nhiều vất vả, tôi mệt mỏi thắp nhang khấn nguyện với Phật Tổ và một lần nữa định buông xuôi. Tình cờ một người bạn là anh Chadhury đang làm việc trong Tòa đại sứ Myanmar ở Ấn Độ biết chuyện đã gợi ý cho tôi nên nhờ sứ quán Myanmar hay Nhật Bản tại đây can thiệp.

Đại sứ của hai nước này tại Ấn Độ đều là chỗ quen biết và có cảm tình với tôi qua nhiều cuộc gặp gỡ làm việc tại các hội nghị quốc tế. Tôi bèn điện thoại cho viên đại sứ Myanmar tại Ấn Độ nhờ giúp đỡ. Quả nhiên không bao lâu sau, hai quả chuông được chở đến tận Việt Nam Phật Quốc Tự.

Thật không sao diễn tả hết nỗi xúc cảm lớn lao của chúng tôi ngày đón hai Đại hồng chung từ trong nước gởi sang trải qua cuộc hành trình vạn dặm đến với ngôi chùa Việt Nam tại đất Phật. Chỉ còn chờ xây dựng xong tháp chuông là có thể trân trọng thỉnh chuông an vị và tôi đặt tên cho hai Đại hồng chung này là: Chuông Hòa bình - Việt Nam.

Khi tôi viết xong đoạn văn này thì Tháp chuông đã được hoàn tất. Mỗi ngày ba lần, tiếng chuông chùa Việt Nam đã được ngân vang trong sương mai và chiều tàn của xứ Ấn. Tiếng chuông mang lại sự thức tỉnh, an vui và tình thương cùng lời cầu nguyện cho thế giới được hòa bình và cho mọi chúng sanh được sống trong bình an lạc nghiệp.

HT Thích Huyền Diệu



Có phản hồi đến “Tình Thương Và Lòng Độ Lượng - Vạn Sự Khởi Đầu Nan”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com