Mục Lục

131. Một vị thầy có năng lực nghĩa là như thế nào? Có phải là người có thần thông, biết chuyện quá khứ vị lai, có thể giúp siêu độ, hay là giảng pháp thao thao bất tuyệt? Cái nào là bền vững nhất?

Một vị thầy có năng lực tốt nhất là làm chủ được tam nghiệp của mình rồi mới tính đến các năng lực thần thông như biết túc nghiệp người khác, siêu độ vong linh hay giảng pháp trôi chảy. Những năng lực này chưa đủ để chứng tỏ vị thầy ấy đã giải thoát họ, có thể do túc duyên đời trước mà có, hay do tha lực hộ mà có. Các vị ấy khi dùng thần thông độ người nhưng nếu lạm dụng thì năng lực có thể giảm, mất. Hoặc độ sanh độ tử nhiều quá tâm lực suy giảm, tham sân si có thể quấy động mạnh hơn làm mất tự chủ cũng như thuyền chở nhiều quá thì đắm.

132. Con thường hay nghe bảo chỉ có sống giản dị, thanh bần thì mới giúp mình có tâm an lạc, thảnh thơi tu hành. Vậy giản dị thanh bần nên hiểu như thế nào khi người tu ngày nay vật chất đồ dùng cá nhân, am cốc trang bị không khác nào khách sạn hay nhà cao cấp của thế gian? Mọi người bảo đó chỉ là phương tiện độ sanh, trợ giúp giữ thân vậy có đúng không?

Giản dị thanh bần này phải hiểu là ít muốn biết đủ. Mà biết đủ thì thường vui. Người tu hành lấy đạo pháp, lấy tâm ít mong cầu làm vui thì đâu có lý do gì phải mượn những phương tiện vật chất cao sang để vui, vậy thì người ta vui bằng cái tâm nào? Cũng có một số các vị thầy không có mong cầu nhưng phật tử vì quý trọng bổn sư mà đem đến cúng dường nhiều vật chất sang trọng. Nhận hay không nhận là do vị thầy đó đang dụng tâm nào. Có khi vì nghĩ tình mà nhận rồi dần dần phật tử đua nhau mua sắm cúng dường từ đó mà sanh ràng buộc.

133. Vì sao Phật tử luôn được dạy rằng phải sống tương kính trong tinh thần lục hòa, bớt ngã mạn. Tuy nhiên, vì sao cả người ngay trong chùa, giữa các chùa, các tông phái lẫn nhau vẫn ngấm ngầm bất phục, nói xấu cạnh tranh và thậm chí trù dập nhau?

Giữa các chùa và các tông phái tranh tụng nhau nếu vì lý do phản biện làm sáng tỏ đạo lý thì rất tốt. Còn vì lý do cá nhân thị phi hơn thua mà cạnh tranh thì thật sự là thảm hoạ cho phật pháp. Đức Phật xưa từng dạy mình nói xấu người khác như rải bụi các ngược gió chỉ làm dơ bẩn chính mình. Những sự tranh tụng chỉ làm tổn hại cho nền giáo lý chung và làm mình bị giảm giá trị.

134. Chùa chiền có nên xây dựng thật nhiều tượng, đục đẻo, chạm khắc kinh chú vào đá, vào gỗ ngàn năm, tượng ngọc, tạo những công trình kỷ lục để truyền giữ kinh Phật lâu đời giúp người khác tu tập tốt hơn có phải vậy không?

Phật dạy các pháp là vô thường, các duyên là bất định, dù có tạo tác công trình gì vĩ đại cũng không tồn tại mãi mãi. Quá khứ đã chứng minh điều đó. Tại sao không đem kinh chú vào trong mình để thâm nhâp kinh tạng trí huệ như hải. Điều đó rất đáng làm và tôn quý hơn hết.

135. Nhiều Phật tử bảo gặp các vị thầy có năng lực nên cung kính lễ lạy bớt ngã mạn, chỉ nên y giáo phụng hành, không nên tranh luận. Thầy dạy sao làm đó vì thầy mới là người hiểu rõ cái thấy cái biết của mình. Nếu mình hỏi hay đi ngược lại là sai. Nếu có sự tranh luận nghĩa là bất kính, sẽ bị các vị hộ pháp xung quanh vị thầy ấy xử phạt, vậy có đúng không?

Nếu là một vị thầy có năng lực, có tri kiến hơn người cũng nên toàn tâm toàn ý nghe theo để tránh sai lầm và mình được nhất tâm. Tuy nhiên, nếu muốn sáng tỏ Phật pháp thì mình có thể hỏi hoặc tranh luận với vị thầy nhưng với tinh thần cầu học thì không sao cả. Đọc những pháp ngữ của bên thiền tông đốn ngộ thì bạn sẽ thấy thầy trò đối đáp không nhượng nhau nhưng cốt yếu để người học trò sáng tỏ. Còn nếu bạn có tâm ngã mạng thì chính tâm ấy làm cho bạn tổn phước chứ không có thánh thần nào quưở phạt cả.

136. Có phải những vị thầy có năng lực có thể xui khiến những vị hộ pháp làm những điều mình muốn không? Nếu là điều sai các vị hộ pháp có làm không?

Các vị thầy đâu phải là thầy bùa thầy pháp mà sai khiến hộ pháp hay những người vô hình làm điều mình muốn như vậy. Các thầy có năng lực được hộ pháp gia hộ cho chuyện tu hành và hạnh nguyện giúp đời chứ không phải muốn làm gì cũng được. Hộ pháp không bao giờ hộ làm sai cả. Những người ỷ lại vào hộ pháp mà làm càng sẽ rước hậu quả vô cùng tai hại.

137. Con nghe nói người càng tu càng bị khảo? Vậy khảo là khảo cái gì? Có người bảo là còn có cả thiên ma ngoại đạo tà giáo quấy phá là có đúng không? Nhưng lại bảo người tu sẽ giúp giảm nghiệp giải thoát. Vậy sự khảo nghiệm hoặc quấy phá là nghiệp quả của mình hay là do sự gia hộ của ân trên?

Người tu nào chắc chắn cũng sẽ bị khảo, một phần do nghiệp lực một phần do ma chướng. Tuy nhiên, cả hai điều đó sẽ có lợi cho người phát tâm dõng mảnh coi sự trở ngại là sự thăng hoa. Đây có thể ví như là hoa sen mọc trong bùn như biểu tượng của Phật giáo. Người tu một phần thọ lạc thanh tịnh vào pháp tu, một phần chấp nhận bị nghiệp khảo để nội lực tự thân phát ra đề kháng lại. Chính vì vậy không nên sợ hãi. Vì lý do đó, cũng có lúc là ơn trên thử thách.

138. Con nghe nói mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho những hành vi nghiệp quả của mình. Tuy nhiên, con lại nghe có nhiều vị thầy có thể giúp hóa giải nghiệp quả. Nếu vậy vị thầy ấy có bị mang nghiệp không hay là vì người tu nên Phật và Bồ tát sẽ giúp hóa giải?

Có các vị thầy vì hạnh nguyện và công đức tu tập có thể hoá giải nghiệp lực của người khác nhưng không tuyệt đối. Thường khi hoá giải cho ai thì vị ấy nương theo phần lực của Phật và bồ tát mà làm. Có những vị làm mà mang bệnh đau vì có hạnh nguyện chia sẻ nghiệp lực của chúng sanh. Người không có hạnh nguyện đó thì không bị bệnh đau.

139. Làm thế nào để có thể nhận biết đó là một bậc chân sư đắc đạo hiển thánh? Những tiêu chuẩn nào để đánh giá đó là một bậc đạo sư Phật giáo?

Một chân sư đắc đạo ít nhất là không sống với tâm tham sân si. Vị chân sư phải có trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn, có năng lực và nhiều phương tiện để độ sanh. Đó chính là bậc đạo sư của Phật giáo.

140. Con thường nghe nói người đã chứng ngộ dù là làm ác làm thiện gì cũng chỉ là một cách độ sanh, kiểu như Tế Công Hòa Thượng uống rượu ăn thịt vậy. Do đó không nên thắc mắc hay góp ý những việc làm của người tu, đặc biệt là các vị thầy lớn vì việc các vị làm đều là đúng cả? Như vậy có thật không?

Vị đã chứng ngộ cao thì cách làm của các vị đều vì mục đích lợi ít cho đệ tử hoặc người đời. Do đó, có khi họ làm những việc trái với bình thường như sân nộ đánh đập. Nếu chúng ta lấy nhãn quan bình thường mà phán xét thì sanh lầm lẫn hoặc mất lòng tin. Tuy nhiên, các vị ấy cũng tuỳ cơ duyên của đệ tử mà làm nhằm mục đích khai ngộ chứ không phải lúc nào cũng thể hiện như vậy. Còn chuyện Tế Công Hoà Thượng thì từ xưa đến nay chỉ có một. May thay nếu có nhiều Tế Công thì sẽ trở thành cái đạo của Tế Công và các đệ tử thay hồ ăn thịt uống rượu.

Phải hiểu rằng các vị tổ sư, bồ tát có trí tuệ siêu phàm họ biết nên làm gì. Khi cần thiết họ sẵn sàng làm nghịch hành (hạnh nghịch) để độ sanh. Do đó, con mắt bình thường nếu thiếu niềm tin không tránh khỏi nghi ngờ. Nếu bạn có dịp đọc lịch sử thiền tông Trung Quốc thì sẽ thấy có nhiều vị dùng gậy hoặc tiếng hét để khai ngộ đệ tử mà người đệ tử vẫn một lòng tôn kính.

Thượng Tọa Thích Vạn Hùng




Có phản hồi đến “15. Phần 4: Tầm Sư Học Đạo - Đời Sống Thiền Môn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com