“Trong đêm khuya thanh vắng của vùng quê nghèo Nội Hoàng, Bắc Giang, tôi bỗng nghe được tiếng khóc xé lòng của một đứa trẻ đâu đó gần chùa lắm. Khi xác định hướng của tiếng khóc, tôi vội chạy ra cổng chùa thì một cảnh tượng đau lòng đập vào mắt. Một hài nhi gái vừa mới chào đời bị người mẹ bỏ lại trong đêm lạnh lẽo cùng vài bộ tã lót”. Câu chuyện đau lòng trên xảy ra vào đúng ngày rằm tháng giêng năm 2008 và được nhà sư Thích Đàm Lương, trụ trì chùa Dâu, kể lại.

Trong ánh đèn pin, nghịch cảnh thật trớ trêu hiện ra trước mắt nhà sư. Chẳng biết làm sao, chỉ thấy thương và tội nghiệp cho sinh linh bé nhỏ quá, sư đành lẳng lặng ôm đứa bé vào chùa. Tiếng khóc ngày càng lớn dần, thảm thiết như xé lòng xé dạ nhà sư. Những ngày đầu tiên nhà chùa có tiếng khóc của trẻ sơ sinh cũng chính là thời gian sư Lương phải chịu bao điều tiếng, những lời miệt thị cay độc của thế gian. Một nỗi oan Thị Kính hiển hiện ngay dưới mái chùa Dâu.

Nhiều người làng trên xóm dưới đồn đoán, truyền tai nhau câu chuyện nhà sư mới lâm bồn, có con mọn đang nuôi trong chùa. Nhiều bà nội trợ nhìn sư Lương với con mắt miệt thị, rồi tụm năm tụm ba bàn tán: “Đấy các bà ạ, hôm qua tôi vừa vào chùa Dâu thắp nhang, tận mắt thấy sư Lương vạch áo cho đứa bé bú...”. Đỉnh điểm của câu chuyện là việc các đoàn thể ở thôn Tiền Phong, xã Nội Hoàng đã họp bàn và đề nghị chính quyền địa phương kết tội sư Lương. Nhiều cuộc họp dân đã diễn ra và có người thẳng thừng đòi đuổi nhà sư này ra khỏi chùa để tránh ô uế cửa Phật. Khi chính quyền xã cho người vào chùa tìm hiểu ngọn nguồn của sự việc, mọi người mới biết là nhà sư đã bị oan.

Trong những ngày tháng căng thẳng đó, cứ đêm đêm sư Lương lại khóc thầm. Nhà sư thương xót thân phận của đứa trẻ và khóc thương cho nỗi cay đắng của mình khi làm việc phúc phải chịu tiếng xấu. Sư bảo trong thời gian đó chỉ có đức Phật mới thấu hiểu được cho sư. Năm 2011, sư Lương tiếp tục bế về mái chùa Dâu thêm một đứa trẻ nữa. Đó là Đặng Hoài Linh, một bé gái đáng thương đã bị vứt bỏ tại cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Cô bé này bị cha mẹ ruột vứt bỏ một lần, rồi bị cha mẹ nuôi vứt bỏ lần hai vì nhiễm HIV. Sư Lương bảo dù Hoài Linh có sống được chỉ vài ngày, vài tháng đi chăng nữa thì bà cũng sẽ chăm sóc, yêu thương bé. Giờ đây cô bé này đã được hơn 2 tuổi, cười nói hồn nhiên ở sân chùa và luôn miệng gọi nhà sư với cái giọng ngọng nghịu: “Mẹ ơi, mẹ ơi!”.

Năm 2012, Đặng Hoài Lan là bé gái mới nhất bị bỏ lại nơi cổng chùa, và trở thành em út trong mái nhà có ba chị em gái. Cả ba bé gái đều được sư Lương nuôi từ lúc lọt lòng và đều mang họ Đặng, họ của nhà sư trước khi xuất gia!

Ba chị em Ước Thiện, Hoài Linh, Hoài Lan cứ lớn lên như thế trong tình thương yêu của sư Lương và lòng bao dung của đạo Phật. Bé Đặng Ước Thiện giờ đã 5 tuổi, được nhà sư cho đi học Trường mầm non xã Nội Hoàng. Về đến chùa, Thiện gọi sư Lương bằng mẹ, yêu thương kính trọng như mẹ đẻ của mình. Nhờ có lòng can đảm của sư Lương, số phận bất hạnh của ba chị em này đã thay đổi. Bị người thân rũ bỏ một cách độc ác, nhưng hi vọng cuộc sống bên trong cánh cửa chùa sẽ giúp các em không lớn lên trong thù hận mà là trong hình hài những con người bao dung và có trách nhiệm, như những gì sư Lương đã đem lại cho cuộc đời của các em.

(Theo Tuổi Trẻ)



Có phản hồi đến “Lòng Mẹ Dưới Mái Chùa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com