VẤN: Con nghe nói là khi tu hành, bắt đầu là Phật tử đều phải giữ ngũ giới, không sát sanh và khuyến khích ăn chay. Con nghe và đọc các bài giảng các Thầy đều khuyên rằng nếu còn ăn mặn thì không thể nào thoát khỏi luân hồi lục đạo, không tu hành được đắc quả. Ngày trước ban đầu thời Đức Phật là ăn tam tịnh nhục nhưng sau đó Phật cũng khuyên là nên ăn chay. Tuy nhiên hiện nay vào các chùa, và con biết là Phật tử của nhiều nước, người xuất gia không ăn chay, gọi là ăn tam tịnh nhục. Nhưng ăn tam tịnh nhục thì cũng là ăn mặn. Vậy sự khác nhau là gì? Tại sao lại có nhà sư ăn chay và nhà sư ăn mặn? Nếu người xuất gia cũng ăn mặn vậy làm sao có thể khuyên Phật tử ăn chay? Việc ăn mặn và ăn chay có ảnh hưởng đến vấn đề tu tập giải thoát không? Ăn mặn có thọ Bồ Tát Giới được không? Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

I .

Ý thức về sự sống và chết của chúng sanh yếu đuối

Đúng là bước đầu học Phật, từ xưa đến nay người Phật tử sau khi được quý chư Tôn đức Tăng Ni giới sư khuyến giáo ăn chay, niệm Phật, không làm việc sát sanh. Từ ngũ giới, Bát Quan trai giới, Thập thiện giới...tất cả các giới đều khuyên không được sát sanh, chứng tỏ giáo pháp Phật ban hành đầu tiên vẫn khuyên không sát sanh. Không sát sanh tức là không giết người thất thế, người bị cô lập, người trên tay, người dưới tay, thậm chí đến các loài vật nhỏ nhít như côn trùng, loài có mạng sống, biết tham sống sợ chết, độc trùng trong nước...tất cả đều không được giết hại, vì giết hại tức là gieo oán thù, trước khi chết chúng sanh đó luôn có ý thức muốn thoát chết, không muốn xa dòng họ, không muốn rời huyến thống, muốn duy trì huyết thống, nhưng do thất thế, yếu đuối hơn nên đành phải chịu chết trong khổ đau, căn thù uất hận. Và cái chết đó bao giờ cũng có luật nhân quả đi kèm, sự trả vay trong tức thời hay ở tương lai, hoặc ở một thời thích hợp: "tự thân là tổn hại mạng chúng sanh, cướp mạng sống của chúng sanh, làm cho chúng sanh đau đớn trước khi chết, chết trong khổ đau...”

Các lò sát sanh trên thế giới, lò giết mổ quy mô lớn, quy mô nhỏ trong từng khu vực, nhất là các lò mổ ở Việt Nam luôn có nhiều hành động làm tổn hại sự sống của các loài vật một cách đau đớn không tả xiết. Sự đau đớn luôn kèm sự căm thù ngút tận trời xanh, không bao giờ nguôi và sẽ không có sự tha thứ.

Trong sách học Cư sĩ “Phu thê ngôn luận”, xuất bản năm 1960 có câu:

Nhứt thiết chúng sanh vô sát nghiệp

Hà sầu thế giới động đao binh

Nghĩa:

Tất cả chúng sanh không giết hại

Thì thế giới sẽ không có chiến tranh

Giới sát trong đời sống tu sĩ

Trong Tỳ ni nhựt dụng thiết yếu của Phật Oánh: "có 2 vị Tỳ kheo phát nguyện đến học đạo với Đức Phật, trên đường đi khát nước, gặp một ao nước sạch, muốn uống và cả hai đều nhìn thấy trong đó có trùng. Một vị tuy khát nhưng dứt khoát không uống vì sợ uống nước có trùng vừa tổn hại đến tánh mạng chúng sanh vừa nguy hiểm đến tự thân, và do không uống nước có trùng giữa đường thác sanh thiên. Vị Tỳ kheo trẻ tuổi tuy biết nước có trùng nhưng vẫn uống và cuối cùng may mắn thân khỏe mạnh đến gặp Phật. Phật dạy Tỳ kheo từ nay khi uống nước phải sắm vợt lượt nước, nếu không sắm phạm giới sát. Làm đệ tử Phật khi đi hành cước phải sắm vợt lượt nước, lúc uống nước không để phát ra tiếng và niệm bài kệ:

Phật quán nhứt bát thủy

Bá vạn tứ thiên trùng

Nhược bất trì thử chú

Như thực chúng sanh nhục

Nghĩa:

Phật nhìn một bát nước

Tám mươi bốn ngàn vi trùng

Nếu không trì chú nầy

Như ăn thịt chúng sanh

Xem ra thì các Đức Phật trong ba đời đều khuyến giáo không sát sanh hại vật.người giữ giới sát thì gia đình hạnh phúc, ông bà cha mẹ, con cái thân bằng quyền thuộc sống trường thọ. Người tu hạnh xuất gia giữ giới sát nghiêm túc thì chư thiên hân hoan nghênh đón, bảo hộ quý kính Sa môn là Pháp sư đang tuyên lưu Phật pháp trong đời.

Trên từng bước đi, trên từng cây số của người đệ tử Đức Phật lúc nào cũng xem chừng dưới chân có chúng sanh, hay những loài côn trùng nhỏ nhít? Đức Phật thường xuyên dạy môn đệ của mình không nên dẫm đạp các loài chúng sanh thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, noãn sanh, những loài thảo mộc mới sanh trưởng trong mùa mưa, Ngài cũng không cho đệ tử đi hành cước trong mùa mưa, đến mùa mưa phải an trú một nơi nào thuận lợi nhất để tu hành, vì sợ do vô tình hay cố ý giẫm đạp làm chúng chết chóc, tổn hại lòng từ của người đệ tử Phật, nên sách Tỳ ni có câu:

Nhược cử ư túc

Đương nguyện chúng sanh

Xuất sanh tử hải

Cụ chúng thiện pháp.

Nghĩa:

Nếu cất bước đi

Cầu cho chúng sanh

Ra biển sanh tử

Đủ các pháp lành.

Những bài kệ chú như trên nhằm hướng dẫn cho người con Phật trong quá trình tu hành thật phải cẩn trọng khi ăn khi uống, đi đứng đều phải để tâm đến những loài chúng sanh dù là nhỏ nhất cũng không nên làm tổn hại, huống gì chúng sanh có sanh mạng lớn, có trí năng nghe được tiếng người, như: trâu, bò, ngựa, dê, heo, trừu, gà, chó...

Phật không dạy ăn chay, nhưng Phật khuyên không ăn thịt.

Trong Kinh Niết Bàn, Phật dạy: "Nếu có Tỷ khưu nào bảo rằng trong Tỳ ni giáo, Phật cho ăn cá thịt, cho mặc áo tơ lụa, đó là lời ma thuyết, là phỉ báng ta!"

Trải rộng trong các kinh giảng cho chư Bồ tát, Phật thường dạy: "Người xuất gia, tại gia không được làm việc trong năm loại kinh doanh. Năm loại đó là gì? Kinh doanh vũ khí, kinh doanh người, kinh doanh thịt, kinh doanh ma túy, và kinh doanh chất độc. Nếu chúng sanh không làm việc mua bán như thế thì không thể thoát khỏi dòng sanh tử tương tục

Kinh Phạm Võng, Phật cũng từng dạy cho chư vị Bồ Tát không ăn thịt chúng sanh (giới trọng, thứ 3), không chứa khí cụ giết hại chúng sanh (giới trọng, thứ 10).Giới luật Phật đã ban hành, ai dám cãi lời sửa luật Phật, lại còn tuyên bố “Đức Phật ăn mặn và cho đệ tử ăn mặn”?

Chúng ta có thể nhận định một cách chuẩn xác hơn, trong tất cả các lời Phật dạy được chư thánh giả đọc và chép thành kinh thời xưa, do ngôn ngữ văn hóa thời Đức Phật là thời kỳ ngôn ngữ còn khô khan, sự truyền đạt phổ cập không nhiều, người ở địa phương nầy nói như vầy, người ở địa phương khác nói khác, nên lời Đức Phật dạy được ghi lại có khác, người giảng cũng còn hiểu lầm đừng nói chi đến Phật tử sơ cơ. Như Đức Phật “không khuyến giáo người con Phật ăn chay trường”, nhưng Đức Phật thường nói về hòa bình và khuyến người đệ tử không ăn thịt, không giết hại chúng sanh, không giữ khí cụ giết hại chúng sanh. Người phàm phu cho rằng Đức Phật không dạy ăn chay, nên Đức Phật chủ trương ăn mặn. Tại một số chùa hiện nay có lắm người ăn mặn, bày biện thịt cá ê hề trên quả đường của “chúng Tăng giải thoát” mà xưng hô tu chứng “thánh quả, chứng tứ quả”, thật buồn thay cho thời mạt pháp.

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, khi nói về giới, Ngài Ưu Ba Ly hỏi Phật về việc truyền giới cho chúng lý tu hành. Phật có dạy không truyền giới cho người thợ dệt tơ lụa, người làm nghề nhuộm. Tại sao thế? Vì khi kéo tơ là phải giết loài tằm, nhuộm vải phải luộc những con tầm để lấy màu nhuộm vải tơ. Cho thấy sự tuyển trạch người làm Phật thời xưa thật là kỹ, và nếu người không tu thì thôi, chứ tu thì giải thoát, không còn trở lại lục đạo luân hồi sanh tử trong thế gian.

II . Vấn đề quý Sư thọ tam tịnh nhục

Làm Phât tử tiến bộ, có học Phật học phải dùng từ ngữ cho đúng. Đứng về gốc độ quý Sư bên Nam tông giữ giới rất kỹ, như: không ăn chiều, thọ tam tịnh nhục theo thời điểm Đức Phật ban hành giới. Tam tịnh nhục là:

Thức ăn động vật, quá trình xử lý thịt, nhà sư không thấy con vật bị tổn thương cho đến khi chết, gọi là không thấy

Thức ăn động vật, quá trình xử lý thịt, nhà sư không nghe tiếng kêu trước khi con vật “chết”

Thức ăn động vật, quá trình xử lý thịt, không do nhà sư xúi giục giết, tự tay giết, hay bảo người giết cho mình ăn, goi là không hay biết.

Ðức Phật đã nói với chư tăng: "Quý thầy không được cố ý sử dụng thịt đã được giết mổ chỉ dành riêng cho quý thầy; Như Lai chỉ cho phép sử dụng thịt và cá không bị phiền trách trong ba trường hợp sau đây: không thấy, không nghe và không nghi ngờ cả " (Luật I, 233) Phật Giáo Và Vấn Đề Chay Mặn, Phân Tích Quan Điểm Của Đức Phật Về Việc Sử Dụng Thịt - Luật Tam Tịnh Nhục của Phật. Đây là ba điều kiện trên đòi hỏi quý Sư không được chứng kiến công việc giết mổ, không được nghe nói thịt đó được giết mổ (để cung cấp cho quý Sư), và ngay cả khi không có thông tin như vậy thì cũng không có gì phải nghi ngờ về hai trường hợp trên (nghĩa là mắt, tai và tâm ý phải thỏa mãn được "sự vô can" về món thịt đó).

Trong thời Đức Phật sanh tiền, có nhiều lời dạy về việc ăn các lọai thịt thú cầm, thịt nào ăn thanh tịnh, thịt nào ăn không thanh tịnh và chỉ bàn đến việc ăn thịt thanh tịnh (tam tịnh nhục), hoặc không bàn đến việc ăn thịt hay không ăn thịt, như trong kinh Trung Bộ II, số 55, Phật dạy Jivaka, như sau: "Có thể vì những lời đồn đãi, xuyên tạc đầy ác ý trên nên mở đầu kinh Jivaka, trước khi nói rõ về Tam tịnh nhục, tức ba thứ thịt thanh tịnh mà các Tỷ kheo được phép thọ dụng, Thế Tôn đã minh định: “Này Jivaka, những ai nói như sau: Vì Sa môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình, được làm cho mình, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng”. Ngoài ra, còn có thuyết Ngũ tịnh nhục, tức tam tịnh nhục vừa kể trên cùng với thịt của các con thú tự chết và thịt mà các loại thú khác ăn còn dư.

Ngày nay các giáo phái nguyên thủy Nam tông Việt Nam, Nam tông Khmer có còn giữ được như thế hay không? Hay quý Sư có khi ăn chay theo Bắc tông. Một số chùa ở Tp.Hồ Chí Minh, ở Đồng Nai quý Sư ăn chay trường, một số chùa do tín đồ cúng dường, giữ theo truyền thống Đức Phật ai cúng thức ăn gì thì dùng thức ăn đó, không chọn lựa, phân biệt chay mặn. Điều nầy cho thấy quý Sư vẫn còn giữ theo truyền thống Phật và Tăng đoàn theo hệ thống Nam truyền xưa.

III . Xuất xứ ăn chay?

Năm niên hiệu Thiên Giám thứ X (nhằm năm Tân Mùi 511), Tiêu Diễn sau khi phế nhà Tề, lập nên Nhà Lương, vua Lương Võ Đế, là vị vua minh quân chính trực, Phật tử thọ Bồ tát giới tuyên bố Nhà Lương thuộc quốc giáo Phật giáo, xây dựng nhiều chùa tháp quy mô cúng dường Phật. Nhà Vua biên sọan sách Phật, 4 tập nhan đề: "Đọan Nhục Văn”, chủ trương bỏ uống rượu ăn thịt và đồng thới hạ sắc chỉ chư Tăng Ni trong các chùa phải ăn chay trường mới được ở chùa.

Nhà Vua nói: "Tất cả Tăng sĩ đều tin tưởng một cách đúng đắn Luật Nhân quả, Kinh Thuyết, Phật Thuyết. Kinh Phật đã nói rõ ác chắc sẽ có ác báo, làm thiện sẽ có thiện báo. Tu sĩ xuất gia cần phải lấy việc thiện làm gốc, không nên ăn thịt, cá. Giờ đây đệ tử Phật mà vẫn còn thèm thịt, thì đều đó là tội lỗi, tội này nhất định sẽ bị quả báo. Do đó những Tăng sĩ cần đoạn tuyệt với việc thịt cá và uống rượu.” ( Đọan Nhục Văn - trích dẫn cuộc đơi và sự nghiệp vua Lương Võ Đế năm 502-550).

Nhà Vua nói tiếp: "Tăng chúng ngày nay mỗi người đều phải cần kiệm, nếu như được mặc áo của Như Lai, mà không làm việc của Như Lai, thì đó chỉ là những kẻ giả danh Tăng Sĩ, họ chẳng khác gì những tên đạo tặc. Nếu có Tăng Sĩ nào vẫn tiếp tục thèm thịt và thèm rượu, thì cứ theo pháp vua mà xử tội.”( Đọan Nhục Văn - trích dẫn cuộc đơi và sự nghiệp vua Lương Võ Đế năm 502-550).

Thuyết ăn chay, cũng gọi thọ trai, chữ “trai” xuất phát đọc trại chữ “chay”, lần hồi lưu truyền trong nhân gian Việt Nam trở thành một từ thông dụng trong ngôn ngữ Việt có từ thời nhà Lương bên Trung Hoa

Khuyến giáo ăn chay

Ăn chay trường giữ trọn giới sát, tuy nhiên làm Phật tử, khi được giới sư truyền giới, có giảng về cách ăn chay trường, ăn chay kỳ như nhị trai (ăn chay một tháng 2 ngày) , tứ trai (ăn chay một tháng 4 ngày) lục trai (ăn chay một tháng 6 ngày) , thập trai (ăn chay một tháng 10 ngày), hoặc tam ngoạt trai (ăn chay rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng mười). Những ngày ăn chay của Phật tử là những ngày lành tháng tốt, những ngày cân nhắc nam nữ Phật tử làm lành lánh dữ, lánh xa các hành vi làm tổn thương đến sanh mạng chúng sanh, tạo điều kiện cho chúng có cuộc sống đoàn tụ cùng bầy, cùng gia đình, cùng tổ tông, huyết thống của chúng.

Ăn chay không phải là vấn đề lớn, ăn chay chưa phải là Thầy Tu, không quyết định cho sự giải thoát sanh tử luân hồi hay thành Phật. Nhưng người tu Phật mà không bàn đến ăn chay, không biết ăn chay là điều dở nhất trong thế giới những người con Phật. Chúng ta thử phân tích kỹ ăn chay có những lợi ích gì trước khi nói đến việc đắc đạo thành Phật:

- Đem lại sự tinh khiết cho thân tâm. Đồ đạc ly tách, chén bát sạch sẽ. Môi trường trong sạch, không có những mùi bất tịnh lan tỏa trong cuộc sống quanh ta

- Ăn chay mau tiêu hóa, làm cho thân không bệnh họan bất thường do bộ tiêu hóa làm việc không ngừng nghỉ.

- Dứt các hành động ác, không gặp những biến thái nhân quả thú biến thành người, người biến thành thú, người giết thú, thú giết người trong nhãn tiền, không còn có sự đau đớn hận thù bất tận.

- Ăn chay mang lại cho thế giới nền hòa bình chân chính, vì ăn chay thì không sát sanh, nên không có những cuộc xâm lăng tàn sát, của dân tộc nầy với một dân tộc của các quốc gia khác, không làm tổn hại sanh mạng con người.

Ăn chay, ăn mặn có ảnh hưởng đến việc tu giải thoát?

Một Tăng sĩ thọ tam tịnh nhục, tức là giữ giới luật Phật theo hệ thống Nam truyền, vị Tăng sĩ đó suốt đời ăn động vật, sanh mạng của muôn thú, ở Sri Lanca chỉ ăn cá, không ăn thịt, hiện nay quý Sư lần lượt không ăn thịt nữa, mà ăn chay. Số quý Sư ăn chay ngày càng gia tăng (Trang nhà Quảng Đức - Luật tam tinh nhục của Đức Phật -Vấn đề ăn chay ăn mặn trong Đạo Phật)

Theo quan điểm giáo lý Nam truyền thì sự tu chứng của chư Tăng (không có Ni) chỉ đến thánh quả Thanh văn, trong đó có tứ quả Tu đà huờn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, không có quả vị Bồ tát, Phật.

Theo hệ thống Bắc truyền thì ăn chay trường, tuyệt đối không giết, không ăn sanh mạng chúng sanh, giữ giới sát tinh nghiêm. Sự tu chứng theo giáo lý Bắc truyền đến địa vị Duyên giác, Bồ tát, Bồ tát Đẳng giác và Phật. Chư Tăng Ni chỉ tạm dùng thực vật, thảo mộc rau trái, légume. Tuy nhiên chư Tăng Ni ở một vài hệ phái ở Việt Nam không ăn chay, hoặc không ăn chay trường, mà chỉ ăn nhị trai, tứ trai, lục trai, thập trai, hoặc ăn chay trong suốt 3 tháng an cư kiết hạ mà thôi.

Việc ăn chay, ăn mặn có ảnh hưởng rất lớn đế cuộc đời đạo hạnh của các tu sĩ Phật giáo. Trong giới thiền lâm, người tu sĩ phải có sự quyết tâm, làm cho tăng trưởng lòng từ, đạo hạnh thân tâm tinh khiết. Phải nhớ giới sát ăn thịt chúng sanh là mang trọng tội, phải thấy nó sống không đành thấy nó chết. Có tâm ý như vậy mới trở thành “áo giáp hộ mệnh”, giúp cho người tu sĩ quyết định tiến đến môi trường đạo giải thoát, chứng quả Niết bàn.

IV. Ăn mặn có thọ Bồ tát giới được không?

Kinh Phạm Võng Bồ tát giới, là giới truyền cho chư Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ đệ tử của Đức Phật thì giới Bồ tát thuộc hệ thống “đạo tục dung thông” giới có thể truyền cho người xuất gia, sau khi đã thọ Tỳ kheo giới, được Bổn sư cho phép thọ Bồ tát giới. Đối với các tu sĩ trẻ tuổi thọ Sa di giới thuộc ứng pháp chưa có hạn định cho thọ giới Bồ tát, vì giới Bồ tát là giới cao, nếu làm Sa di ứng pháp mà thọ Bồ tát giới thì không còn thọ Tỳ kheo giới được nữa, chỉ trừ những vị Sa di danh tự, Sa di hình đồng trên 60 tuổi mới cho thọ giới Bồ tát.

Giới luật theo hệ thống Nam truyền thuộc giới Thanh văn, Đức Phật không có ban hành giới Bồ tát truyền cho chư Tăng tu theo hệ thống Nam truyền.

Đối với những vị Cư sĩ, Phật thuyết Kinh Phạm Võng ở giới thứ 3 và giới thứ 10 là giới sát thuộc vào nhóm “giới trọng”. Giới thứ nhứt trong 6 giới trọng của giới Bồ tát giới Cư sĩ, Phật dạy không sát sanh, giới thứ 10 trong 28 giới khinh của Cư sĩ Phật dạy: “nước có trùng không được uống, uống thì tổn hại lòng từ bi, các giới khác ít nhiều cũng khuyên không sát sanh. Khi thọ giới, các Cư sĩ đạo hạnh vẫn được giáo hóa ăn chay trường mới được truyền giới Bồ tát. Tại Đồng Nai, chư giới sư khi truyền giới Bồ tát cho Cư sĩ có khảo hạch giới tử ăn chay trường bao nhiêu năm? Nếu dưới 5 năm sẽ không trúng tuyển thọ giới Bồ tát.

Phật giáo có hai truyền thừa

Bắc, Nam lưu xuất xưa nay vẫn còn

Nam truyền giữ cội thủy nguyên

Bắc thì chay lạt giữ viềng đạo xưa

Tam tịnh nhục gọi tiểu thừa

Trì trai giới sát sớm trưa tịnh thiền

HT Thích Giác Quang



Có 2 phản hồi đến “Tại Sao Đạo Phật Khuyên Ăn Chay Nhưng Trong Chùa Có Nhà Sư Thọ Tam Tịnh Nhục Đồ Mặn?”

  1. Lý Duyên đã nói

    TRÍCH KINH LĂNG NGHIÊM “Anan, Ta bảo hàng Tỳ Khưu ăn năm thứ tịnh nhục, thịt ấy đều do thần lực Ta hóa sanh, vốn không có mạng căn... Làm sao sau khi Như Lai diệt độ, người ăn thịt chúng sanh mà gọi là Phật tử! Các ông phải biết, những người ăn thịt đó, dầu có được tâm khai mở, giống như Tam Ma Đề, đều là đại La Sát, quả báo hết rồi phải chìm đắm trong bể khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như vậy, giết nhau, nuốt nhau, ăn nhau không dứt, làm sao ra được khỏi ba cõi?... Hàng Tỳ Khưu trong sạch, cho đến các vị Bồ Tát, đi trên đường rẽ, không dẫm cỏ non, huống lấy tay nhổ. Làm sao trong Tâm Đại Bi mà lấy máu thịt của các chúng sanh làm đồ ăn? Nếu các hàng Tỳ Khưu không mặc những đồ tơ lụa, lượt là phương Đông và không dùng những giày dép, áo lông hay các thứ sữa, phó-mát, đề hồ, các Tỳ Khưu đó đối với thế gian thật thoát khỏi sự báo đền nợ nghiệp, chẳng đi vào trong ba cõi. Vì sao thế? Dùng bộ phận thân thể chúng sanh là có duyên nợ với vậy, như con người ăn trăm thứ mễ cốc của đất thì chân không lìa khỏi đất. Quyết phải khiến cho thân tâm đối với bộ phận hay thân thể chúng sanh đều không mặc, không ăn, những người như thế, Ta mới gọi là thật Giải Thoát." (Trích từ "Mục Thứ 5: Chỉ pháp viên tu", đoạn cuối "phần IV: Nhĩ căn viên thông hơn hết".) Vì mình mới là người sơ học, nên chỉ trích nguyên văn, không dám bình luận gì thêm.

  2. Đời Đạo đã nói

    Lý thuyết trùng trùng dặm Thực tế trong từng bước đi...

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com