Khuya 4/11, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Út Bạch Lan qua đời tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 81 tuổi. Sự ra đi của bà để lại nỗi mất mát lớn lao trong ngành nghệ thuật truyền thống.

Đúng 12h (5/11), linh cữu của bà được di quan từ nhà riêng tại chung cư Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) sang quàn tại Chùa Ấn Quang (quận 10). Trong suốt cuộc đời, bà không có con ruột mà chỉ có con nuôi và rất nhiều cháu. Trong giờ làm lễ tụng kinh, các con cháu tập trung đông đủ bên linh cữu người nghệ sĩ tài danh của làng cải lương miền Nam để cùng cầu nguyện cho bà ra đi thanh thản.

Theo anh Diệp, một trong những người con nuôi của bà, những giây phút cuối đời bà không chịu bất cứ sự đau đớn nào mà ra đi rất nhẹ nhàng, thanh thản. Anh kể trước khi trút hơi thở cuối cùng, nghệ sĩ với biệt danh "sầu nữ" vẫn kịp căn dặn con cháu thành tâm với công tác thiện nguyện.

Lễ động quan NSƯT Út Bạch Lan sẽ diễn ra vào 7h, thứ ba (ngày 8/11) và linh cữu được hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM) đúng theo ước nguyện của bà được hỏa thiêu, tro cốt được mang về một ngôi chùa ở quận Gò Vấp và đặt cạnh tro cốt của mẹ.

81 năm tuổi đời, hơn 60 năm gắn bó với sân khấu âm nhạc, khán giả gọi bà là “đệ nhất đào thương”, “nữ hoàng vọng cổ”, “sầu nữ”. Khác với nghệ sĩ Ngọc Giàu - người có thể đảm nhận nhiều vai đào, Út Bạch Lan với gương mặt đượm buồn, đôi mắt ướt và chất giọng nỉ non dường như chỉ hợp với những vai bi sầu trên sân khấu.

Cuộc đời của bà cũng là chuỗi dài những năm tháng nhiều nước mắt. Có người nói, chữ “sầu” đã vận vào Út Bạch Lan.

Cô bé hát dạo đến 'nữ hoàng đào thương'

Nghệ sĩ Út Bạch Lan sinh năm 1935 tại Long An. Từ nhỏ, bà sớm không được cha chăm sóc khi ông mất sớm. Út Bạch Lan cùng mẹ đi làm thuê để có tiền sinh sống. Hay nghe những làn điệu vọng cổ khi đi qua nhiều khu phố Sài Gòn lúc bấy giờ, sự đam mê cải lương đến với Út Bạch Lan dần dần, từ từ như hơi thở cuộc sống.
11 tuổi, bà lén mẹ cùng người anh thân thiết - nhạc sĩ Văn Vĩ - đi hát dạo khắp nơi. Bà hát, anh đàn, cuộc sống của cô bé Út Bạch Lan khi đó đã gắn liền với cải lương.

Cơ duyên đến với bà khi cô Năm Cần Thơ - người có tiếng trong giới hát ngày ấy - phát hiện, mời bà biểu diễn trên sân khấu. Út Bạch Lan từ một cô bé hát rong khắp con phố ở Chợ Lớn được đứng trước hàng trăm khán giả dưới ánh đèn sân khấu.

Cũng từ đây, làng cải lương đã có tên nghệ sĩ Út Bạch Lan - người chị lớn của những tên tuổi lớn khác như cố nghệ sĩ Thanh Nga, Bạch Tuyết.

Chất giọng ấm, mượt mà, nỉ non, có phần ai oán phận người của bà được các đoàn hát đặc biệt yêu thích. Út Bạch Lan để lại những vai diễn để đời như vai Hương (Nửa đời hương phấn), Lê Thị Lan (vở Tuyệt tình ca), Sơn nữ Phà Ca trong vở diễn cùng tên, chị Hằng (vở Con gái chị Hằng), Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển).

Nước mắt cuộc đời

Ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp khi biểu diễn cho đoàn Kim Chưởng, bà gặp và yêu nghệ sĩ Thành Được. Họ là cặp đào kép được khán giả yêu mến từ trên sân khấu đến ngoài đời. Hai người kết hôn trong sự chúc phúc của rất nhiều nghệ sĩ lúc đó.

Nhưng đây cũng là khởi nguồn cho những đắng cay của người nghệ sĩ đa truân.

Thành Được lúc đó có dáng vẻ đẹp trai, hào hoa, lại nổi tiếng nên có rất nhiều cô gái mê mẩn..

Cưới nhau không bao lâu, bà đau đớn khi một người phụ nữ bế con đến trước cửa nhà nhờ nuôi hộ.

Vì muốn giữ cuộc sống gia đình êm ấm, bà nhận lời. Chẳng lâu sau, một người phụ nữ khác ở Huế cũng đưa con đến nhờ bà chăm hộ.

“Cứ thế, tôi nhận thêm đứa con thứ 3 và thứ 4. Đứa thứ ba tên Sơn, con một phụ nữ ở Gò Công. Đứa thứ tư tên Châu. Các con được mang đến cho tôi khi còn đỏ hỏn”, bà kể.

Trong cuộc hôn nhân vỏn vẹn có 3 năm với Thành Được, Út Bạch Lan không có con. Bà chăm con chồng như con mình. Khi bà và ông chia tay, nữ nghệ sĩ vẫn không rời bỏ các con. Bà cũng vui vẻ khi một trong những người phụ nữ cũ của chồng sau nhiều năm về muốn gặp con và đưa con sang Mỹ định cư.

Gần nửa thế kỷ khi có dịp gặp lại chồng cũ trong một buổi diễn, nghệ sĩ Út Bạch Lan vẫn hát cùng ông trên sân khấu. Bà không giận hay trách ông nửa lời.

“Tôi không hận gì cả. Đó là cái nghiệp của tôi. Chia tay ông ấy, tôi thấy nhẹ nhàng hơn. Chứ ngày nào cũng khóc cho mình, rồi khóc cho vai diễn, tôi đuối sức quá”, bà nói.

Những năm cuối đời quy y cửa Phật

Sau những biến cố cuộc đời, Út Bạch Lan tìm đến sự bình yên nơi cửa Phật. Bà không xuống tóc xuất gia nhưng mỗi sáng đọc Kinh, tối đi diễn và làm từ thiện.

“Cuộc sống của tôi an nhàn lắm. Tôi thích từ thiện, đi hát ở chùa, mang đến niềm vui cho những mảnh đời cơ nhỡ”.

Khi nói về cuộc đời mình, bà vui vẻ nói: “Tôi không muốn nói về nỗi buồn trong quá khứ và luôn vui với hiện tại. Nhìn lại cả chặng đường đã qua, tôi thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn”.

Cống hiến nhiều năm trong nghề nhưng bà chưa được xét tặng danh hiệu NSND. Út Bạch Lan không nghĩ nặng về danh hiệu được phong tặng.

“Khán giả hay giới chuyên môn trao tôi danh hiệu nào, tôi sẽ nhận danh hiệu đó. Tôi được tặng nhiều cái tên nhưng trong số đó tôi thích nhất được khán giả gọi với tên ‘sầu nữ’ chứ không phải danh hiệu nào khác”.

Hơn 20 năm qua, Út Bạch Lan và nhóm từ thiện "Hoa lan trắng" (lấy theo tên bản vọng cổ do nghệ sĩ Viễn Châu viết tặng cuộc đời bà) gồm các diễn viên cải lương trẻ và các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử… miệt mài đi làm từ thiện. "Cứ mỗi lần cả nhóm sắp sửa lên đường đi hát, đi trao quà cho bà con là lòng tôi rộn niềm vui. Nhờ vậy, tôi có thể quên đi cái mệt của tuổi tác để ngồi xe cùng các em, cháu đi tỉnh xa, rồi đi bộ đến những địa chỉ từ thiện ở miền quê, ở chùa", bà từng chia sẻ với VnExpress..

Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, ngoài những giải thưởng đạt được trong nghề, nữ nghệ sĩ được báo giới và khán giả ưu ái dành tặng các danh hiệu như "Đệ nhất đào thương", "Nữ hoàng vọng cổ", "Sầu nữ Út Bạch Lan"...

(Tổng hợp từ vnexpress, zing)



Có 1 phản hồi đến “Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Đầy Tình Người Của Sầu Nữ - Phật Tử Út Bạch Lan”

  1. trần thái thanh đã nói

    SỚM THỨC TỈNH VÔ THƯỜNG Bên đường xe tang buồn đi qua Chiều hôm mồ hoang sương trăng tà Vô thường đời trần thương ơi mau Người đi rồi lần sang phiên ta. Ngàn xưa xa vời trong mông lung Tài hoa tan về nơi vô thường Luân hồi không cầu đường siêu thăng Dù cho hiền minh cao anh hùng. Hoàng hôn mây hồng in non xa Dung hoa thầm khô theo suy già Di Đà chuyên tu phòng lâm chung Tương tư mơ về trời Liên Hoa. (Trích lời dạy của Ông Sáu).

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com