Có một địa chỉ mà tất thảy thân nhân trên chuyến tàu HQ-571 ra thăm cán bộ chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa đều muốn đặt chân tới: chùa Trường Sa Lớn. Một nén hương thắp cầu an cho chồng con nơi đảo xa, hoặc xin chữ của trụ trì viết trên hòn đá san hô để đem về… là tâm nguyện của những người cha, người mẹ, người vợ lính Hải quân. Còn có điều gì làm ấm lòng người ở nhà hơn, khi ở tận nơi xa ngái nhất của Tổ Quốc, về mặt tâm linh, họ biết người thân yêu của mình vẫn đang luôn được đồng hành…

1. Giản dị. Bình dị. Thân quen. Đây là những cảm giác đầu tiên của bất kỳ ai đặt chân bước vào chùa Trường Sa Lớn. Không có quy mô đồ sộ, không có nhiều tòa ngang dãy dọc. Không có những bảo tháp nguy nga. Trong một khuôn viên rộng rãi, khung cảnh chính điện bình dị nằm nép trong những tán cây xanh mướt, tạo nên cảm giác quen thuộc như khi đặt chân đến bất cứ ngôi chùa ở một làng quê Bắc Bộ nào đó. Dấu hiệu duy nhất "nhắc khéo" mọi người trở về hiện thực rằng đây vẫn ở Trường Sa…

Chùa Trường Sa Lớn nằm ngay tại vị trí trung tâm đảo, từ cầu tàu lớn đi thẳng vào sân bay trung tâm đảo là thấy ngay bên tay trái. Đối diện với chùa, chếch sang mé phải là quảng trường và cột mốc chủ quyền của đảo, chếch một chút sang mé trái là nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoảng đất phía trước tam quan của chùa được để mở với 2 thảm cỏ lớn, phối hợp với đường bê tông lớn phía trước và quảng trường đảo, tạo nên một quần thể không gian cộng đồng rộng lớn.

Nghiêm cẩn. Đấy là ấn tượng đầu tiên của tôi về vị Đại đức trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Ngó cái cảnh vị trụ trì kiên trì và nhẫn nại hướng dẫn những ai muốn đảnh lễ thực hiện nghi lễ Ngũ thể đầu địa một cách nghiêm túc và đến khi chính xác mới thôi, rồi chậm rãi và nghiêm cẩn không kém tặng lại cho người có lòng lễ Phật một chuỗi niệm Phật 14 hạt… mà thấy mừng cho Phật sự ở nơi đầu sóng ngọn gió, ở nơi phên giậu của đất nước đã được thực thi trang trọng và nghiêm cẩn.

Điều này khiến tôi nhớ lại những ngày lưu lại ở đất Bồ Đề Đạo Tràng, một trong Tứ Đại Thánh Tích của Phật giáo, nơi Thái tử Siddhartha Gautama đốn ngộ dưới gốc cây bồ đề để trở thành Đức Phật. Có đến đó, tôi mới nhận ra rằng, điều khiến Bồ Đề Đạo Tràng vẫn còn duy trì được sự linh thiêng của một miền thánh tích, không phải là ở sự đồ sộ uy nghiêm của chùa chiền bảo tháp, cũng không phải ở số lượng của người hành hương, mà chính là ở sự nghiêm túc chân thành của những người hành lễ. Cảnh tượng những phật tử miệt mài và nghiêm cẩn đảnh lễ trong yên lặng từ ngày này qua ngày khác, từ sáng sớm tới lúc trời tối mịt, mới là điều cốt lõi khắc sâu vào tâm khảm những ai đặt chân tới đây.

2. Khi đã mãn việc, dưới bóng tán bàng Trường Sa Lớn, khi nghe tôi kể lại chi tiết này, Đại đức Thích Giác Nghĩa cười nhẹ nhàng. Chất giọng Huế cất lên dìu dịu lý giải sự tò mò của tôi: "Cái nghiệp của chúng sanh rất nặng, mình phải có một sự nghiêm khắc nhất định, thì mình mới tiêu hóa được cái nghiệp của họ. Trong đạo Phật có từ "Đại hùng, đại lực, đại từ bi". Cái từ bi của đạo Phật là từ bi có trí tuệ, nếu họ sai phạm mà mình nghiêm khắc trong vấn đề tình thương để chuyển hóa cho họ, như vậy mình cũng đã có công đức. Nếu biết họ sai mà mình không đem lòng từ bi để nhắc nhở họ, để họ lún sâu, như thế mình cũng là có tội".

Lý giải việc tại sao quyết định dấn thân ra hẳn Trường Sa sau 3 lần đặt chân tới đây để làm lễ cầu siêu, Đại đức tâm sự: Phật giáo đã xuất hiện trong lòng dân tộc đã 3.000 năm nay, và có thể nói văn hóa Phật giáo đã hòa quyện vào trong văn hóa Việt Nam. Các vị quốc sư, thiền sư trước đây luôn thực hiện việc hộ quốc an dân, luôn là những vị minh sư để bảo vệ những vị minh quân. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, Quốc gia suy thì Phật giáo suy, Quốc gia thịnh thì Phật giáo thịnh.

"Qua cái tinh thần như vậy, chúng tôi thấy tiếng nói thiết thực nhất là Phật giáo đồng hành cùng với dân tộc để bảo vệ an nguy của quốc gia. Và việc mình ra đây ở, chính là những viên đá sống, những hành động cụ thể để góp phần xây dựng Trường Sa. Như anh đã thấy đấy, giữa những hòn đảo mong manh giữa biển khơi nơi phiên giậu quốc gia, bao nhiêu thế hệ con em chúng ta đang phải bám trụ, vật lộn với sóng gió, đối đầu và kề cận với cái chết để bảo vệ từng tấc đất".

“Tôi thấy được điều đó, và nó thôi thúc tôi đến đây để ủy thác tinh thần, động viên tinh thần và đồng hành cùng anh em, cùng chung sống để duy trì đại nghiệp của cha ông. Tôi đã bàn giao hai ngôi chùa trong đất liền, chùa Vạn Đức và chùa Phước Trí, và cả học trò đệ tử trong đó để ra ngoài đây với anh em".

3. Lặng đi một lúc khi tôi đặt câu hỏi rằng đến Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh còn bao nỗi nhọc nhằn, chắc hẳn thầy ra đây con đường cũng chưa chắc đã là hoàn toàn hanh thông. Thầy Thích Giác Nghĩa dẫn tôi vào chánh điện, trỏ vào một bức thư pháp viết bằng tiếng Việt theo lối thảo thư. Trên đó là một bài thơ, có tựa đề là "Đi": "Hãy ra đi vì biên cương biển đảo. Đi ra đi cưỡi sóng vượt trùng dương. Đi đi. Đi cho yên bình hiện hữu. Đi bước đi để củng cố sơn hà". Dòng lạc khoản phía dưới có chú thích: "Thầy làm thơ để Giác Nghĩa đi Trường Sa, Ký tên: Thích Tâm Trí".

 

"Đây là bài thơ ông thầy tặng khi tôi quyết định ra Trường Sa Lớn. Đó là một bài thúc giục chúng tôi, không chỉ vượt sóng trùng dương để đến với Trường Sa, mà còn phải vượt qua những ngọn sóng thị phi làm mình nản lòng, những ngọn sóng của thất tình lục dục… Mình thực sự đã là một người chiến sĩ, đã có tâm thế của một người chiến sĩ", Đại đức bùi ngùi nhớ lại.

Khi Quân chủng Hải quân làm việc với Giáo hội nhiều lần mà không tìm được người, Đại đức Thích Giác Nghĩa chính là người chủ động phát nguyện. Đầu năm 2012 Âm lịch, ông phát nguyện, và đến tháng 3 là có quyết định. Ông kể lại, có nhiều khó khăn lắm, kể cả chuyện được ra đến Trường Sa, cả chuyện tìm người để giao lại y bát tại 2 ngôi chùa trong đất liền, và cả việc dứt bỏ những mối quan hệ khăng khít thương tình từ trong đất liền nữa. Thực sự, đây là một cuộc chiến đấu nội tâm.

Có rất nhiều người ngạc nhiên, kính nể, thậm chí nể phục. Nhưng cũng có một số thì ganh tị, kể cả từ nội tại lẫn từ bên ngoài, điều đó không tránh khỏi. Nhưng ông chấp nhận, vì thấy mình có sức khỏe, có trí tuệ, phải đóng góp cho Phật sự quốc gia một cách thực thụ, để một ngày kia khi chúng ta không làm được nữa thì cũng không ân hận.

Đại đức Thích Giác Nghĩa tâm sự, đặt chân đến Trường Sa, có hai việc lớn ông quyết tâm làm cho bằng được. Thứ nhất là tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân, ủy thác tinh thần cho quân và dân. "Đối với người tu, chúng tôi có Pháp lạc, chúng tôi vui trong Phật pháp, nên chúng tôi không có nhàm chán. Các chiến sĩ cũng là những con người, xa gia đình vợ con, xa người thân, ra đây họ còn nhiều thiếu thốn về mặt tinh thần. Chúng tôi an ủi tinh thần, tiếp thêm sức mạnh, ủy thác tinh thần cho cán bộ chiến sĩ ngoài đảo".

Thứ hai là hướng về những người đã hy sinh vì biển Đông, không phân biệt họ là ai. "Họ đều là người con của dân tộc đã bỏ mình trên biển Đông. Trải qua các thời kỳ và các thời cuộc, họ ra đây, xương và máu của họ đang nằm dưới đáy biển, hoặc hòa tan vào đất và nước. Tôi sẽ cầu nguyện cho họ được siêu thoát và gửi năng lượng cho họ đi thác sanh với thời gian. Văn hóa Việt Nam ta có câu "nghĩa tử là nghĩa tận", chắc chắn mỗi người ra đi đã mang một niềm đau thương, vì vậy chúng tôi cầu nguyện cho họ được nhẹ nhàng siêu thoát".

4. Thực ra, đối với Đại đức Thích Giác Nghĩa, ra Trường Sa cũng là một thiện duyên trên con đường tu hành. "Nôm na thế này, cực chẳng đã mới phải tu trong phố thị. Ra đây tu hành, tôi coi là một thiện duyên rất lớn cho việc tu luyện, vun bồi đạo lực, vì đây là cơ hội để tôi trở về với chính mình".

"Riêng về bản thân, tôi lạy bộ kinh Pháp Hoa, mỗi chữ một lạy. Và trong năm ngoái, trong vòng 6 tháng 10 ngày, tôi đã lạy xong bộ kinh Pháp Hoa gần 80.000 chữ, có nghĩa là gần 80.000 lạy. Trong năm nay, ngày 8-4 Âm lịch vừa rồi, chúng tôi đã khai lạy và đã lạy được 1 cuốn kinh trong tổng số 7 cuốn của bộ kinh Pháp Hoa.

Chính vì vậy, những khó khăn đời thường được vị trụ trì chùa Trường Sa Lớn kể đến như những câu chuyện vui, luôn kèm theo những nụ cười. Tỷ như chuyện rau cỏ nhiều khi bị thiếu thốn, ra ngoài này thì hoàn toàn bị khan hiếm, chỉ có một số rau trồng được và nấm khô, ăn lui ăn tới hoài cũng ngán. "Sáng như thế, chiều như thế, ngày mai cũng như thế nữa", ông cười lớn.

"Khí hậu ngoài này cũng thất thường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người rất nhiều, nhưng cũng phải chấp nhận thôi. Khi mình đã đi tu rồi thì nói thật ra là cuộc đời này là vô thường, ở nơi nhung lụa cũng chết, mà ở nơi biên cương thiếu thốn cũng chết. Nên cái chuyện chết sống với người tu nó cũng là vô thường.

Ở trong đất liền, thực ra cuộc sống vật chất của chúng tôi rất đầy đủ. Nhưng người xuất gia nghĩ rằng càng xả bỏ chừng nào thì càng giải thoát chừng đó. Nếu không xả bỏ để giải thoát được phần nhỏ, thì phần lớn làm sao giải thoát được, khi cái chết đến sẽ không biết đi về đâu. Nếu cứ đắm nghiệp vào trong thế giới vật chất của cải nhưng tạm bợ và hạn hữu này thì sẽ luyến tiếc khi rời bỏ nó", Đại đức tâm sự

(Theo CAND)



Có 1 phản hồi đến “Hoằng Pháp Ở Trường Sa”

  1. Thang Nguyen đã nói

    A Di Da Phat cong duc cua thay can duoc vinh danh,cung nhu cac ban tre Viet Nam dang o tren dao .Con cau chuc thay cung moi nguoi luon khoe,de song dao va giu dao cung nhu bao ve phan dat thuing lieng cua cha ong ta.A Di Da Phat.

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com